Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 06:08:48

Thần tốc, thần tốc hơn nữa…

Ngày đăng: 26/04/2020

QK2 – Ngày 7-4-1975, sau thắng lợi giòn giã của các chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch tiến công Huế – Đà Năng, điều kiện chiến trường miền Nam đã chín muồi, các lực lượng giải phóng cùng toàn dân đã chuẩn bị sẵn sàng, toàn bộ các cánh quân của ta ở phía Nam đã nhận được một bức điện khẩn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sĩ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến. Nghiên cứu lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, Mệnh lệnh giải phóng miền Nam  trở thành mật lệnh của nghệ thuật chớp thời cơ.

Nội dung bức điện lúc 9 giờ 30 sáng 7-4-1975 mang mật danh 157-HĐKTK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như sau:

Mệnh lệnh

1. Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo  hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền nam. Quyết chiến và toàn thắng.

2. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên, chiến sĩ

Ký tên: Văn

Bức điện được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết từ Tổng hành dinh chỉ huy chiến dịch nhà D67 trong khu vực thành cổ Hà Nội, lập tức được ban cơ yếu mã hóa và truyền đến chỉ huy các cánh quân tham gia giải phóng miền Nam.

Chỉ với 40 từ, vô cùng ngắn gọn, xúc tích nhưng bức mật lệnh đã xác định rõ mục tiêu phải đạt được, đồng thời chỉ rõ phương châm hành động để đạt được mục tiêu đó: Đã thần tốc rồi, cần thần tốc hơn nữa! Đã táo bạo rồi cần táo bạn hơn!

Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân giải phóng miền Nam với khí thế thần tốc, táo bạo ấy.

Thực hiện chỉ đạo quyết tâm chiến lược, ngay trong đêm 7-4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc; địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn.

Xe tăng tiến vào dinh độc lập ngày 30-4-1975 (ảnh TL).

Ngày 14-4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang đến ngày 16 chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 19/4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc. Trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Tây Nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô.

Cũng trong ngày 14-4, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Ngày 22-4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng.” Và Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn-Gia Định trước ngày 30/4/1975.

5 giờ 30 phút ngày 30-4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành và Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cùng với cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, quân ta đánh chiếm, giải phóng các đảo và quần đảo ở ven biển miền Trung và Trường Sa. Quân và dân các tỉnh miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tiến công, nổi dậy diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 ngụy, giải phóng các tỉnh còn lại. Đến ngày 1-5-1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng.

45 năm đã trôi qua kể từ đại thắng Mùa Xuân năm 1975, nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, đã tiến những bước dài trong công cuộc xây dựng đất nước. Song lời hịch mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa …” của Đại tướng Võ nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào và quyết tâm sắt đá của nghệ thuật quân sự Việt Nam, biết chớp thời cơ, biết chọn phương pháp  để giành chiến thắng trọn vẹn.

Giá trị tinh thần “thần tốc – táo bạo” trong giải phóng miền Nam để lại những bài học quý, là cơ sở để Đảng ta, Chính phủ ta vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc hôm nay nhất là trong thời kỳ chủ động mở rộng hội nhập và phát triển. Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, với tinh thần thần tốc của lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã giành những thắng lợi có ý nghĩa hết sức lớn lao, được cả thế giới ngưỡng mộ và học tập. Kết quả ấy minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng, Chính phủ Việt Nam góp phần đẩy lùi, chặn đứng nguy cơ bùng phát của đại dịch Covid-19

K.B

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.