Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 05:05:49

Tết sớm trên công trình thuỷ điện Lai Châu

Ngày đăng: 10/02/2016

Ngày 14-12-2015, sau gần 5 năm khẩn trương xây dựng, Tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Lai Châu chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Có lẽ người dân nơi đây và nhiều thế hệ cũng không thể ngờ tới có một ngày, các kỹ sư trẻ Việt Nam thể thuần phục được dòng sông Đà hung dữ…

Những ngày cuối cùng của năm 2015, chúng tôi có dịp lên thăm Nhà máy thủy điện Lai Châu ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà. Âm thanh rộn rã của công trường vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc. Không khí lao động khẩn trương của nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân như có sức nóng lan tỏa, xua đi cái lạnh của mùa đông. Với những người thợ, vì tiến độ và chất lượng công trình, vì dòng điện của Tổ quốc, họ sẵn sàng làm việc xuyên Tết, đón Xuân trên công trường.

Vận hành tổ máy số 1 sớm 3 tháng sẽ tạo ra doanh thu 150 triệu USD

Có mặt tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), nơi đặt Nhà máy thủy điện Lai Châu, không ai có thể nghĩ rằng cách đây vài năm trước, từ một địa danh xa xôi hẻo lánh, ít người biết đến, hôm nay đã có diện mạo mới, thay da, đổi thịt…Ngày 14-12-2015, Tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, sau gần 5 năm khẩn trương xây dựng. Điều mà có lẽ, người dân nơi đây, nhiều thế hệ cũng không thể ngờ tới là sẽ có một ngày, các kỹ sư trẻ Việt Nam có thể thuần phục được dòng sông Đà hung dữ.

Một góc Nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Đức Mạnh

Một góc Nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Đức Mạnh

Dự án thủy điện Lai Châu là dự án thủy điện lớn thứ 3 của Việt Nam thuộc bậc thang trên cùng sông Đà với hồ chứa có dung tích 1,2 tỷ m3 nước, công suất lắp máy 1.200MW. Việc phát điện tổ máy số 1 của công trình sớm hơn 3 tháng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đáng kể vào tổng công suất hệ thống điện, làm giảm nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Hồ chứa thủy điện Lai Châu được đưa vào sử dụng đã cải thiện việc cấp nước tưới cho Đồng  bằng Bắc Bộ và tăng thời gian hoạt động hữu ích cho các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình; lợi ích kinh tế thu được cũng rất lớn vì nếu đưa nhà máy vào vận hành sớm 3 tháng sẽ tạo ra doanh thu 150 triệu USD, tiết kiệm hơn 1 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Đây là mốc tiến độ quan trọng và là động lực tốt để những người lao động trên công trường hoàn thành toàn bộ công trình sớm trước một năm so với quyết định của Chính phủ.

Đón giao thừa trên công trường

Kế hoạch làm việc xuyên Tết, đón xuân trên công trường được phổ biến tới anh em công nhân từ sớm, mọi người cũng đã sẵn sàng tinh thần “đón giao thừa trên công trường”. Chia sẻ với chúng tôi về gia đình, về công việc, anh Nguyễn An Mạnh, quê ở Nghệ An, kỹ sư cơ ký của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho biết: “Tôi đã có vợ và con gái 11 tuổi. Vợ tôi là đồng nghiệp cùng làm việc tại Nhà máy thủy điện Lai Châu. Tết năm nay gia đình quyết định ở lại làm việc cùng anh em trên công trường. Không về quê xum họp cùng ông bà, lúc đầu đây là quyết định khó khăn của gia đình tôi, song do đặc thù công việc của mình, cộng với con nhỏ, đường xa đi lại khó khăn, tôi cùng gia đình xin phép ở lại làm việc để sớm đạt được kế hoạch đưa tổ máy số 2 vào hoạt động. Những ngày đầu lên đây xa gia đình cũng hơi buồn, nhưng rồi cũng quen. Không khí lao động trên công trường ai cũng hối hả, tất bật mình cũng cuốn vào nhịp sống ấy”.

Ngày Tết, nhưng các kỹ sư đang vẫn đang miệt mài làm việc tại Nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Đức Mạnh

Ngày Tết, nhưng các kỹ sư đang vẫn đang miệt mài làm việc tại Nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Đức Mạnh

Chị Lưu Thị Nhàn (vợ anh Mạnh),  vui vẻ cho biết: “Ngày Tết ai chẳng mong sum vầy cùng gia đình. Nhưng để công trình hoàn thành đúng tiến độ, vợ chồng tôi đều ở lại công trường. Trong những ngày Tết, chúng tôi vẫn làm việc, kể cả đêm giao thừa”.

Theo đồng chí Lê Kim Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban điều hành Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), để đảm bảo mục tiêu phát điện tổ máy số 1, tập thể cán bộ, công nhân viên Lilama tại dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục thi công đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ đã cam kết. Khi lắp đặt rotor Tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Lai Châu, thời gian ngắn mà công việc lại còn quá nhiều. Anh em đã thi công không kể ngày đêm, 3 ca liên tục, cuối cùng tổ máy đã phát điện vượt tiến độ. Bộ phận rotor của tổ máy nặng 1.000 tấn, tạo thành từ hàng chục nghìn chi tiết, trong đó có hơn 13.000 tấm tôn, mỗi tấm nặng 38kg. “Hiện tại, tổ máy số 2 đã lắp đặt được tấm tôn thứ 5.544, còn gần 8.000 tấm nữa đang chờ lắp đặt. Chắc chắn chúng tôi sẽ về đích đúng hẹn”, anh Hải khẳng định.

Quả thực, có lên đây mới thấy “sự hấp dẫn” của Nhà máy thủy điện Lai Châu đối với những người trẻ ưa chinh phục như Mạnh là rất lớn. Hết giờ làm, anh em lại tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ làm cho “công trường rộn rã tiếng ca”. vì thế, những cán bộ, kỹ sư, công nhân xa quê luôn luôn gắn bó với nhau như anh em một nhà.

Công nhân đón Tết  trong nhà máy cùng ánh lửa hàn và tiếng máy rền vang. Ảnh: Đức Mạnh

Công nhân đón Tết trong nhà máy cùng ánh lửa hàn và tiếng máy rền vang. Ảnh: Đức Mạnh

  Ở các công trình thủy điện khác, sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô có ý nghĩa quyết định, song tại công trình Nhà máy thủy điện Lai Châu, chúng tôi đã gặp những kỹ sư trẻ Việt Nam đầy năng động, trách nhiệm, ham học hỏi, hứng thú với cái mới, nắm bắt công nghệ nhanh, không ngại thử thách. Họ luôn làm chủ công nghệ ở tất cả những khâu trọng yếu nhất, những phần việc khó khăn nhất.

Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, vào thời khắc giao thừa, mọi người chào đón năm mới cùng nhau xum vầy bên người thân, nhưng tại Nhà máy thủy điện Lai Châu vẫn có những người công nhân, kỹ sư âm thầm ở lại làm việc hết mình vì dòng điện của Tổ quốc, Họ đang đón giao thừa trong nhà máy cùng ánh lửa hàn, tiếng xe, tiếng máy rền vang.

Nhà máy thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW (3×400 MW) do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Xây dựng Sông Ðà làm tổng thầu EPC, Lilama tham gia lắp đặt toàn bộ thiết bị. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia trung bình 4,69 tỷ kW giờ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh – quốc phòng khu vực Tây Bắc.Được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia khởi công ngày 5-11-2011 tại xã Nậm Hoàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.Nhà máy thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh. Công trình có tổng mức đầu tư ước tính hơn 35.700 tỷ đồng.

(Theo VĂN PHONG – QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.