Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 04:43:12

Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, xây dựng hệ thống nhà trường quân đội chính quy

Ngày đăng: 05/09/2016

Các trường quân đội vừa kết thúc năm học 2015-2016 – năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo”.

Năm học vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các trường quân đội đã hoàn thành toàn diện, đạt được nhiều kết quả trong công tác giáo dục, đào tạo (GD, ĐT), xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện. Kết quả cụ thể:

Bộ đã chỉ đạo biên soạn và ban hành Điều lệ Công tác nhà trường quân đội, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, đáp ứng với nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bên cạnh đó, bộ đã chỉ đạo các trường sơ kết đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển GD, ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2015; đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bổ sung tên trường đại học cho một trường sĩ quan, nâng bậc đào tạo Trường Trung cấp Quân y 1, Quân y 2 và Trường Trung cấp Trinh sát thành trường cao đẳng.

Công tác đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp. Các nội dung mới được bổ sung, cập nhật vào chương trình đào tạo, trong đó tập trung vào quan điểm, đường lối Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; sự phát triển của công nghệ thông tin quân sự, vũ khí trang bị, nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện nay; đổi mới đào tạo theo hướng nâng cao năng lực chỉ huy toàn diện người học, tập trung vào năng lực đảm nhiệm thực hiện chức trách ban đầu và khi tốt nghiệp ra trường.

Giờ lên lớp của giảng viên Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Minh Trường. 

Giờ lên lớp của giảng viên Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Minh Trường.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh trên các địa bàn, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, số thanh niên, học sinh đăng ký dự tuyển vào các học viện, nhà trường quân đội năm 2016 tăng 10,5% so với năm 2015. Quá trình tổ chức thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; tổ chức tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển, tuyển thẳng, cử tuyển theo đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đã được các cấp quan tâm. Trong năm đã tổ chức 7 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về pháp luật, khoa học xã hội và nhân văn, phương pháp sư phạm, kiểm định chất lượng GD, ĐT cho đội ngũ nhà giáo. Tổ chức các lớp tập huấn khảo thí và bảo đảm chất lượng GD, ĐT, các hội thảo đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm. Triển khai nhiều chủ trương, biện pháp, khích lệ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, học viên, sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Các đề tài, sáng kiến nghiên cứu khoa học xuất phát từ hoạt động thực tiễn, kết quả nghiên cứu có tính khả thi và ứng dụng, phục vụ công tác dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo, được hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tổng tham mưu cũng nghiêm túc nhận thấy, công tác GD, ĐT, xây dựng nhà trường của toàn quân thời gian qua còn bộc lộ hạn chế, khuyết điểm, bất cập, có nội dung, có mặt chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển của quân đội và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Đó là: Một số chương trình đào tạo chưa cập nhật, bổ sung kịp thời những nội dung mới về phương thức tác chiến, vũ khí trang bị; nội dung giảng dạy phương pháp huấn luyện chưa được quan tâm đúng mức. Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo có trường còn chưa đáp ứng cả về trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn, nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là ngoại ngữ. Công tác rèn luyện học viên nâng cao thể lực toàn diện về sức chịu đựng gian khổ, dẻo dai trong huấn luyện cũng như sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt có mặt còn hạn chế.

Năm học mới sắp bắt đầu là tiền đề, điều kiện quan trọng để các nhà trường quân đội tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt chủ trương đổi mới căn bản GD, ĐT theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhằm tạo bước đổi mới cơ bản, toàn diện nâng cao chất lượng GD, ĐT, xây dựng nhà trường chính quy theo hướng gọn, mạnh, hợp lý, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo với những giải pháp đồng bộ, cụ thể là:

Các nhà trường quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, tập trung triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện cả về nhận thức và hành động trong việc nâng cao chất lượng GD, ĐT, xây dựng nhà trường chính quy, gọn, mạnh, hợp lý. Đây là một trong những khâu đột phá, biện pháp quan trọng để xây dựng quân đội trong thời gian tới. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần nhận thức sâu sắc, thống nhất hành động trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cơ bản, quan trọng là: Quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội; đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo; bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Quy hoạch, xây dựng hệ thống nhà trường quân đội theo hướng gọn, mạnh, hợp lý là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp, đặt ra yêu cầu cao về quyết tâm chính trị, trách nhiệm tổ chức thực hiện của cấp ủy, chỉ huy các cấp, trước hết bắt đầu từ các nhà trường. Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định việc tập trung chấn chỉnh, hoàn thiện hệ thống nhà trường quân đội theo hướng ổn định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề, lưu lượng, bậc học, trình độ đào tạo; bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và lấy các học viện, nhà trường làm nơi dự trữ cán bộ, sẵn sàng bổ sung theo yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội phải cân đối về địa lý, thích ứng với thời bình và chiến tranh; đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội, góp phần quan trọng nâng cao sức chiến đấu của quân đội.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu thường xuyên trong công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường. Thời gian tới, việc đổi mới sẽ theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, giảm lý thuyết, tăng thực hành và tình huống thực tiễn, tăng nội dung chuyên ngành phù hợp với đặc thù của quân đội, địa bàn chiến đấu, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị và vận dụng sáng tạo cách đánh truyền thống, bổ sung điều chỉnh cách đánh mới với đối tượng tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao. Chương trình, nội dung GD, ĐT phải gắn giữa đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn, bảo đảm tính kế thừa, liên thông giữa các trình độ đào tạo, tránh trùng lặp, kết hợp giáo dục chuyên môn với kinh tế, chính trị, pháp luật, khoa học, xã hội cho các đối tượng đào tạo.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, quan trọng trực tiếp, quyết định đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các học viện, nhà trường quân đội. Mục tiêu đến năm 2020 là có 100% giảng viên các học viện, trường sĩ quan, trường đại học có trình độ đại học, trong đó có hơn 60% trình độ sau đại học (25% trở lên là tiến sĩ), thực hiện 100% giảng viên giảng dạy đại học có trình độ sau đại học; 90% giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự quân khu, quân đoàn có trình độ đại học, trong đó có 25% sau đại học.

Để thực hiện được mục tiêu này, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phải toàn diện cả về bậc học, kiến thức thực tiễn, phương pháp sư phạm, nghiên cứu khoa học và ngoại ngữ, tin học. Các học viện, nhà trường chủ động triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo cần kết hợp đào tạo trong nước với tăng cường gửi đi đào tạo ở nước ngoài, giữa gửi đào tạo và tự đào tạo, bồi dưỡng tại trường. Đặc biệt, cần tích cực đưa giảng viên, giáo viên đi thực tế tại đơn vị công tác, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, gắn lý luận với thực tiễn đơn vị. Các học viện, nhà trường kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành ở các học viện, nhà trường; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo cán bộ khoa học trẻ với việc gửi đào tạo ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo ngoài quân đội.

Để bảo đảm nâng cao chất lượng GD, ĐT, xây dựng nhà trường chính quy theo hướng gọn, mạnh, hợp lý, hệ thống nhà trường quân đội cần tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn hóa trang thiết bị dạy học phù hợp với đặc thù nhiệm vụ đào tạo của từng nhà trường, theo kế hoạch dài hạn và hằng năm. Triển khai nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành và cấp cơ sở bảo đảm chất lượng cao, sát với thực tiễn nhà trường, đơn vị, bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo của người học; biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng trong dạy và học; giảng dạy sát với thực tiễn và xử lý các tình huống do thực tiễn đặt ra. Tích cực triển khai công tác kiểm định, đánh giá chất lượng GD, ĐT trong các nhà trường quân đội theo hướng lấy hiệu quả công tác của cán bộ khi ra trường làm tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của các nhà trường. Chú trọng công tác khảo thí, thực hiện đánh giá, kiểm tra kết quả học tập, rèn luyện của học viên bảo đảm khách quan, phản ánh đúng thực chất trình độ của học viên. Coi trọng đánh giá chất lượng, bảo đảm “chuẩn đầu ra” của từng đối tượng đào tạo đáp ứng với nhu cầu thực tiễn đơn vị, yêu cầu nhiệm vụ, phát triển của quân đội.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top