Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 05:17:59

Tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước

Ngày đăng: 17/10/2017

Luân chuyển cán bộ (LCCB) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng đã được thực hiện từ nhiều năm nay và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, trong những năm qua nhiều cán bộ các cấp sau luân chuyển đã trưởng thành từ thực tiễn, ghi dấu nhiều thành tích tại các địa phương, đơn vị đến công tác.

 Tuy nhiên, thực tế việc LCCB thời gian qua ở một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cá biệt có những trường hợp gây bức xúc trong dư luận, nhất là đối với những trường hợp cán bộ bị kỷ luật hay một số trường hợp luân chuyển thời gian quá ít, chưa có nhiều thời gian để học tập, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn sau đó lại luân chuyển đi nơi khác và được đề bạt, bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn.

Để khắc phục hạn chế và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và LCCB, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn, ngày 7-10 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ.

Theo Quy định của Bộ Chính trị, công tác LCCB phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức Đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Việc LCCB phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện; bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục, phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; bố trí cân đối, hài hòa giữa LCCB với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; có cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời có quy định quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển.

Về quy trình lựa chọn cán bộ luân chuyển cũng đã được quy định cụ thể thông qua 5 bước. Điểm mới của công tác LCCB đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch ở tất cả các khâu trong quy trình luân chuyển. Kết hợp chặt chẽ việc luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; kết hợp luân chuyển với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Quy định nêu rõ: Chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết). Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí chức danh luân chuyển theo quy định, đồng thời phải còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ tính từ thời điểm luân chuyển và thời gian luân chuyển là 3 năm đối với một chức danh, trừ chức danh kiêm nhiệm.

Về việc xem xét, bố trí cán bộ sau luân chuyển, Bộ Chính trị quy định phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và nhận xét, đánh giá cán bộ.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định về LCCB là một chủ trương lớn “ý Đảng hợp lòng dân”, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm; được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh, đổi mới mạnh mẽ công tác LCCB, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen…; khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức cán bộ trong thời gian qua.

Thực hiện tốt Quy định của Bộ Chính trị về LCCB là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn, làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược. Đây cũng là những cơ hội mới cho những cán bộ trẻ có đức, có tài tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện và cống hiến xây dựng đất nước, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

NGÔ VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.