Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 12:29:27

Tạo diễn đàn mở để phản bác lại các quan điểm sai trái

Ngày đăng: 17/11/2017

Thời gian qua không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận thanh niên – đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ quả nguy hiểm của thông tin sai này là thanh niên sa sút ý chí phấn đấu.
Do đặc thù của internet là tốc độ truyền thông tin nhanh, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng… nên những quan điểm sai trái trên mạng internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng. Phương thức hoạt động được các thế lực thù địch tiến hành đối với nước ta hiện nay là tiếp tục bổ sung những chiêu mới chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trong đó, chúng tập trung truyền bá các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên mạng internet nhằm chống phá chế độ XHCN ở Việt Nam.

Báo Quân khu 2 thường xuyên trao đổi thông tin chống “DBHB” với các cơ quan báo chí tỉnh Phú Thọ (trong ảnh: Đại diện Báo Quân khu 2 nhận giấy khen trong Hội Báo xuân 2017 tỉnh Phú Thọ).

Tính chất phản động, mục tiêu chống phá thể hiện rõ ở một số nội dung trọng điểm như: xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, thân thế sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; bôi nhọ nhân sự cấp cao và chia rẽ đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt tăng cường chống phá chức năng của quân đội ta.
Đấu tranh chống “DBHB” trên mạng internet vẫn được coi là cuộc đấu tranh khó khăn và phức tạp vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ lâu dài. Vì kẻ xấu thường huy động nhiều lực lượng quan trọng trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia giỏi và đầu tư nhiều tiền của để xây dựng và triển khai chiến lược “DBHB”. Do vậy cần phải tập trung giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ và toàn dân thấy được chống “DBHB” là cuộc đấu tranh quyết liệt, toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh, đối ngoại từ đó tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động phá hoại tư tưởng của địch. Vì thủ đoạn ngày càng tinh vi nên đội ngũ cán bộ chính trị các đơn vị, nhất là cấp trung, đại đội cần tập trung đổi mới phương pháp, mở rộng các phương thức thông tin truyền thông đa dạng, phong phú, sinh động, giàu sức thuyết phục.
Thông tin về từng sự kiện, hiện tượng, vấn đề cần được khai thác, phát hiện từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau, tránh được sự đơn điệu, trùng lắp và một chiều, kết hợp nhiều thể loại, nhiều hình thức. Các câu chuyện tham gia đấu tranh chống “DBHB” khi kể với bộ đội hoặc nhân dân phải có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích một cách sâu sắc, dù khẳng định hay bác bỏ, dù mềm mại hay cứng đều phải có sức thuyết phục. Cùng với đó trên mỗi loại truyền thông đại chúng, từng đơn vị cần xây dựng chương trình hành động cụ thể trên cơ sở chỉ đạo chung; bám sát đặc điểm đối tượng, khai thác nguồn tin và tổ chức lưu chuyển thông tin phù hợp với yêu cầu đổi mới. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ, phân công thật cụ thể, xác định rõ nội dung đấu tranh, mục tiêu cần đạt tới.
Một trong những điều đáng lưu ý là việc đấu tranh phải tiến hành thường xuyên, không nên quá dồn dập rồi lại bị ngắt quãng, thực hiện “mưa dầm, thấm lâu”. Đồng thời, cũng xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị đột xuất cũng như kịp thời phản bác những đợt tuyên truyền rộ lên của các thế lực thù địch.
Có thể mỗi người tạo diễn đàn mở như thành lập một blog với tư cách là cổng thông tin cá nhân, diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Từ diễn đàn mở, chúng ta có điều kiện trực tuyến trao đổi, tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác nhau, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Đây cũng là diễn đàn để một mặt chúng ta tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng mặt khác, mọi người có thể tham gia trao đổi – tranh luận hoặc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cũng khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tự học tập, truy cập mạng internet, xây dựng các trang blog cá nhân tích cực và tham gia trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Trong những trang đó, cần đăng tải tin tức, bài viết phản bác những thông tin sai lệch của các thế lực thù địch. Mở các chuyên mục giao lưu, đối thoại trực tuyến với các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng nhằm tạo cho thanh niên một sân chơi bổ ích. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước. Bên cạnh đó cần tăng cường xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và quan tâm đến các hoạt động tình nguyện, chăm lo sức khỏe cộng đồng, giao lưu – đối thoại nhân chứng lịch sử, vì các thế lực thù địch ra sức sử dụng Internet làm công cụ để tuyên truyền, ngược lại chúng ta cũng phải biết biến Internet thành công cụ tuyên truyền và đấu tranh lại với những thủ đoạn tinh vi mới.
Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.