Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:51:06

Tạc vào bia đá thời gian

Ngày đăng: 24/12/2020

Có một nghề tưởng như mới mà đã tồn tại từ ngàn năm. Những giá trị nghệ thuật từ nghề truyền thống ấy cứ thế tạc vào bia đá thời gian và được mài giũa bởi lớp lớp những khối óc sáng tạo. Nghề chúng tôi muốn nói tới chính là nghề thêu trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Đỏ. Thành quả ngọt ngào mà cộng đồng người Dao Đỏ xứng đáng được đền đáp là nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019.

1. Ở thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) hầu hết phụ nữ Dao Đỏ đều biết thêu trang phục truyền thống – Một người phụ nữ Dao Đỏ đã luống tuổi khẳng định vậy và tôi tin thế. Tôi tin bởi qua quan sát, tôi thấy hầu hết gia đình nào cũng có 1-2 túi thêu đựng đầy những cuộn chỉ xanh, đỏ, vàng… với những tấm thổ cẩm còn dang dở đường kim mũi chỉ. Tôi tin còn bởi họ sẵn sàng mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất thường chỉ diện vào dịp lễ, Tết. Và niềm tin ấy đã được mặc định khi những đứa trẻ chừng 4, 5 tuổi đã tự mình có thể vấn khăn, đeo yếm, thắt đai mà người cao tuổi ở đây bảo đó là những công đoạn cầu kỳ nhất khi mặc trang phục dân tộc.

Giữ được trang phục truyền thống đã là niềm tự hào, nhưng để báu vật ấy lan tỏa trong cộng đồng thì còn nhiều việc phải làm và chính họ phải là người tiên phong. Người tiên phong làm việc này là chị Triệu Thị Hải. Chị bảo, ở cái tuổi vừa sang bên kia cái dốc của đời người, chị đủ thấm thía giá trị của bộ trang phục truyền thống mà chị mặc trên người hơn 40 năm nay. Vì vậy, không kể ngày đêm, cứ lúc nào rảnh việc đồng áng, bếp núc là chị lại lần dở túi thêu, cặm cụi với việc thêu thùa. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, chiếc khăn, cái quần, vạt áo, yếm… được hoàn thiện. Làm ra 1 bộ, 2 bộ rồi nhiều hơn nữa, chị chợt nghĩ đến việc đem bán. Chị bán theo đơn đặt hàng của các trường học, nhất là trường nội trú; rồi đến các chợ phiên – nơi có đông đồng bào Dao Đỏ sinh sống như Đà Vị, Yên Hoa (Na Hang); Thổ Bình (Lâm Bình), Phúc Sơn (Chiêm Hóa). Chị tâm sự, có khi mỗi phiên chợ chị chỉ bán được 1 bộ nhưng chị vẫn thấy vui. Vui vì số người đến xem, ngắm, trả giá rồi ướm thử quần áo Dao Đỏ rất nhiều. Đó là động lực để chị tiếp tục duy trì nghề thêu trang phục dân tộc.


Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Đỏ ở thôn 1, Minh Tiến, Minh Hương (Hàm Yên).

2. Gian hàng bày bán quần áo dân tộc Dao Đỏ của chị Phùng Thị Tâm tại chợ phiên xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) luôn thu hút mọi ánh nhìn. Những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất, thường là quần áo cô dâu được chị treo cao để mọi người dễ quan sát. Dưới sạp hàng là những chiếc khăn, quả bông, chiếc áo, quần được gấp gọn gàng nhưng vẫn để lộ những họa tiết hoa văn sặc sỡ khiến ai lỡ chạm mắt đều không thể dời đi. Ở 4 góc của sạp hàng là chùm tua rua, quả bông đỏ trông xa như chiếc chuông gió mà mỗi hồi chuông được tạo nên bởi những trang sức bằng bạc. Phiên chợ hôm nay chị mặc bộ trang phục mới nhất. Chiếc khăn chị vấn cũng tỉ mỉ hơn làm nổi bật gương mặt đầy đặn, tươi rói. Chị bảo, đây là bộ trang phục chị vừa hoàn thiện, giá bán là 5 triệu đồng. Nghe chị phát giá ấy, không ít du khách miền xuôi đi chợ phiên buổi đầu đều giật mình, còn với đồng bào nơi đây thì có lẽ nó còn phải đắt hơn thế. Bởi để hoàn thiện bộ trang phục có khi phải mất cả năm, nếu dành toàn bộ thời gian chỉ để thêu thì mất chừng 3 – 4 tháng.

Chị khoe với chúng tôi, vừa rồi có đoàn khách tham quan hang Bó Ngoặng đã thuê quần áo Dao Đỏ để chụp ảnh. Chị liền nung nấu ý tưởng làm trang phục này để bán cho các cơ sở homestay, các điểm du lịch. Bởi hiện nay loại hình du lịch homestay đang phát triển ở nhiều nơi và ở ngay chính mảnh đất Chiêm Hóa. Ví như ở Bản Ba, xã Trung Hà đã khai trương du lịch cộng đồng homestay và bước đầu thu hút khách gần xa. Đây là cơ hội để chị đưa báu vật của người Dao Đỏ đến với khách du lịch.

Bị cuốn hút bởi lời giới thiệu của chị, chúng tôi đến với Bản Ba 2 – nơi có 70% dân số là đồng bào Dao Đỏ. Hình ảnh đầu tiên tác động vào thị giác là cảnh người phụ nữ đang ngồi say sưa thêu bên hiên nhà. Qua lời giới thiệu của ông Nông Quý Thọ – người uy tín của thôn tôi biết chị là La Thị Chạn – người có thâm niên thêu và bán quần áo dân tộc ở khắp các địa phương trong tỉnh. Có 2 đứa trẻ túm tụm lại với vẻ đầy thích thú vừa mân mê tấm thổ cẩm vừa tíu tít nô đùa. Sắc đỏ tỏa ra từ bộ quần áo truyền thống họ mang trên người khiến chúng tôi cảm giác cái rét căm căm của ngày chính đông dường như tan biến. Sau khi chộp nhanh khoảnh khắc này vào ống kính, tôi lân la hỏi chuyện:

– Để hoàn thiện một bộ quần áo này phải mất bao thời gian vậy chị?

– Nhanh thì 4 – 5 tháng, lâu thì cả năm.

Vốn đã tìm hiểu trước ý nghĩa của họa tiết hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ nhưng tôi vẫn muốn nghe điều này từ chính những người luôn đau đáu giữ báu vật của tổ tiên. Cầm trên tay tấm khăn chị đang thêu dở với những hình thù vừa đẹp, vừa lạ, tôi hỏi tiếp:

– Chị ơi, những hoa văn này chắc hẳn mang nhiều ý nghĩa?

Chị chậm rãi kể: Người Dao Đỏ sống dựa vào thiên nhiên nên họa tiết hoa văn đều mô phỏng từ cỏ cây, hoa lá, động vật. Đó là hình cây thông, chữ thập, quả trám, hình dấu chân hổ, hình răng cửa, hình người mặc váy… Đây là thông điệp mà tổ tiên người Dao muốn nhắc nhở con cháu phải biết trân quý những điều tốt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Nghe lời giải thích đầy lôi cuốn của chị, trí tò mò của tôi như bị kích thích hơn:

– Nhưng em thấy không phải hoa văn trên chiếc khăn nào cũng giống nhau, đó còn chưa kể việc phối màu cũng có sự khác biệt?

Chị liền vào nhà, mở tủ lấy ra một chiếc khăn mới tinh rồi bảo:

– Bà con thêu hoa văn hầu hết theo trí tưởng tượng, sức sáng tạo. Với người trẻ thì thoa văn sinh động hơn, màu sắc sặc sỡ hơn, tính tương phản cao. Còn người cao tuổi, thì đó là sự nhất quán về màu sắc và hình thù cũng không quá cầu kỳ. Bởi lẽ đó mà việc thêu trang phục truyền thống là một tiêu chí đánh giá sự khéo léo, tinh tế và làm nên giá trị người phụ nữ Dao Đỏ.


Đồng bào dân tộc Dao Đỏ thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà (Chiêm Hoá)
giữ nghề thêu trang phục truyền thống.

3. Cũng chính bởi quan niệm mang tính chân lý ấy mà phụ nữ Dao Đỏ ở thôn 1 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) chưa bao giờ hết tự hào khi nhắc đến sự khác biệt của bộ trang phục truyền thống mà họ sáng tạo nên. Từ họa tiết hoa văn trên trang phục đến cách vấn khăn đội đầu cũng mang dấu ấn riêng. Hay những quả bông đỏ hai bên vạt áo cũng nhỏ hơn, dày hơn so với trang phục Dao Đỏ ở địa phương khác. Điểm nhấn còn được tạo ra bởi chiếc khăn quàng sau vai nổi bật là những sợi tua len đỏ đính hạt cườm.

Vì vậy, khi biết chúng tôi tìm hiểu về nghề thêu trang phục, gương mặt ai nấy ở đây đều rạng ngời. Có 2 người phụ nữ đi làm đồng ngang qua liền tò mò dừng lại hỏi chuyện chị Đinh Thị Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hương. Sau vài ba câu chào hỏi bằng tiếng Dao Đỏ, tôi thấy họ quay về và dặn với lại: Đợi chị 15 phút để chị về mặc quần áo đẹp nhé. Bất ngờ hơn là cụ bà sau khi nghe câu chuyện của chúng tôi đã sẵn sàng về nhà mặc trang phục với vẻ đầy phấn chấn. Và ngôi nhà chúng tôi đến ban đầu chỉ có 2 phụ nữ Dao Đỏ cứ tăng dần lên theo số nóc nhà gần đó. Hành trang họ mang đến không chỉ là y phục rực rỡ mà cả những túi thêu đựng sẵn trong đó hạt cườm xanh đỏ, chỉ thêu, vải, len… Và nếu như lúc đứng chụp ảnh họ còn lộ rõ vẻ ngượng ngùng, loay hoay với việc tạo dáng thì khi mang vuông vải ra thêu, sự thuần thục đưa từng đường kim mũi chỉ khiến chúng tôi có những bức ảnh vô cùng ưng ý mà không cần bất cứ sự sắp xếp nào.

Bà Bàn Thị Xuân cười mãn nguyện khi xem lại những bức ảnh. Bà tự hào khoe, ở đây phụ nữ nào cũng biết thêu, đứa cháu của bà năm nay mới 8 tuổi cũng biết thêu. Cháu chỉ nhìn các bà thêu hàng ngày rồi làm theo bằng trí tưởng tượng phong phú. Việc truyền dạy nghề thêu nơi đây không phải là cầm tay chỉ việc mà hoàn toàn là sự quan sát rồi in đậm vào ký ức và được phản ánh lại trên những tấm khăn, chiếc áo… Sự trường tồn của nghệ thuật trang trí trên trang phục Dao Đỏ được gìn giữ như thế – bà Xuân khẳng định.

Càng đi, càng tìm hiểu, tôi càng hiểu rõ hơn giá trị nghệ thuật mà người Dao Đỏ gửi gắm qua bộ trang phục dân tộc. Tôi tin giá trị ấy sẽ không ngừng được nhân lên bởi sự đau đáu của những con người luôn ấp ủ đưa di sản của người Dao Đỏ đến gần hơn với cộng đồng.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.