Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 06:57:20

Sự hình thành và phát triển của LLVT Quân khu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954)

Ngày đăng: 14/09/2021

QK2 – Cách mạng tháng Tám thành công, nhưng trên địa bàn Quân khu tình hình các địa phương vào thời điểm này diễn ra vô cùng phức tạp. Tháng 11/1945, hai tiểu đoàn quân Pháp từ Vân Nam – Trung Quốc kéo vào Lai Châu chiếm đóng với ý đồ chiếm lại toàn bộ vùng Tây Bắc.

Ngày 19/10/1946, Chiến khu 10 được thành lập, trước những thay đổi của tình hình chiến sự trong cả nước Đảng và Chính phủ quyết định phân chia lại các đơn vị hành chính và quân sự. Khu 10 và Khu 14 được sáp nhập thành Liên khu 10. Tháng 11/1949 Liên khu 10 và Liên khu 1 sáp nhập thành Liên khu Việt Bắc, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng Tây Bắc, Trung ương Đảng quyết định thành lập thêm Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Bắc.

Với dã tâm trở lại xâm lược Việt Nam, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, miền Bắc hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản Việt Nam và Việt Minh, giúp bọn phản động và tay sai lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trên địa bàn Quân khu, quân và dân tỉnh Hà Giang, thị xã Yên Bái, LLVT Liên khu 1 đã tấn công vào sào huyệt và xoá sổ các nhóm phản động tay sai của Quốc Dân Đảng.

Thu Đông năm 1947, quân và dân Khu 10, 11, 14 đã bẻ gãy “gọng kìm Sông Lô” trong chiến dịch tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp. Trung đoàn 148 chặn đánh địch bảo vệ phía tây nam tỉnh Phú Thọ; Trung đoàn 92 Phú Yên chặn đứng các cuộc tiến công của địch từ Nghĩa Lộ, Than Uyên ra phía ven hữu ngạn Sông Hồng; Trung đoàn 87, Trung đoàn 112 và các Trung đội Pháo binh của Quân khu đã phục kích, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề trên đường số 2 và trên Sông Lô. Đến tháng 12/1947 gọng kìm phía Tây của thực dân Pháp đã bị bẻ gãy. Quân và dân Khu 10 đã viết nên bản hùng ca Sông Lô hào hùng tiêu diệt được 1.200 tên địch, bắn chìm và cháy 15 tàu chiến các loại của thực dân Pháp.

Năm 1950, LLVT Tây Bắc phối hợp lực lượng chủ lực của Bộ mở chiến dịch Lê Hồng Phong 1 và chiến dịch Lê Hồng Phong 2, giải phóng toàn bộ tỉnh Lào Cai, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) và một phần của tỉnh Yên Bái. Tháng 3/1948 Liên khu uỷ, Bộ Tư lệnh Liên khu đã quyết định mở Chiến dịch Nghĩa Lộ, kết quả địch phải rút khỏi 7 vị trí, gọi hàng 163 ngụy binh. Chiến dịch Sông Đà, Sông Thao và các chiến dịch khác ta đã đánh 436 trận, tiêu diệt 2.683 tên địch, bắt sống 353 tên, gọi hàng 562 tên, thu 500 súng các loại, 6 tấn đạn và nhiều vũ khí, quân dụng khác của chúng. Từ ngày 8/2 – 10/3/1950, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Bắc tiếp tục mở Chiến dịch Lê Hồng Phong 1 tiêu diệt 470 tên địch, phá và thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, giải phóng trên 1.000km2 với hơn 1 vạn dân.

Cuối năm 1950, đầu năm 1951, LLVT Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Hưng Đạo giải phóng một phần phía bắc tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 3/1951 Trung đoàn 148 cùng bộ đội địa phương các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đuổi đánh hơn 1.000 tàn quân của Tưởng Giới Thạch, tiêu diệt hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng các loại. Chiến dịch Lý Thường Kiệt (tháng 10/1951), tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc (năm 1952) tiêu diệt 1.005 tên địch, bắt sống 5.024 tên, diệt gọn 4 tiểu đoàn và 24 đại đội, đánh thiệt hại nặng nhiều tiểu đoàn cơ động của địch, giải phóng vùng đất rộng 28.500km2 với 25 vạn dân. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1953, phối hợp với bộ đội chủ lực, quân và dân Tây Bắc đã tiến công phỉ ở khắp nơi, tiêu diệt trên 7.000 tên, hoàn thành tốt nhiệm vụ tiễu phỉ, trừ gian ở Tây Bắc.

Trong Chiến dịch Thu – Đông (1953 – 1954) mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp 7.310 tấn gạo, 389 tấn thực phẩm, huy động 27.657 dân công. Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 đã trực tiếp tham gia chiến dịch với những chiến công xuất sắc trên đồi A1, A3, C1, C2, sân bay Mường Thanh. Đặc biệt trên đồi A1, cao điểm phòng ngự then chốt trên hướng Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khối bộc phá gần 1.000 kg do bộ đội ta đào hầm và đặt trong lòng đồi A1 được phát nổ là hiệu lệnh xung phong của toàn mặt trận, tổng công kích vào sở chỉ huy của quân Pháp, bắt sống tướng Đờ – cat – xtơ – ri.  Quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt gần một thế kỷ xâm lược đất nước ta.

THU HUYỀN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.