Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 09:47:24

Sình ca-Văn hóa độc đáo của người Cao Lan

Ngày đăng: 13/10/2015

Tên gọi của các điệu múa của dân tộc Cao Lan đều bắt nguồn từ nghề trồng lúa và bẫy chim thú, các động tác trong các điệu múa rất đơn giản, nhịp nhàng, uyển chuyển cùng với tiếng trống, tiếng khèn đã phản ánh cuộc sống lao động sản xuất cần cù của người Cao Lan.
Đồng bào quan niệm rằng hát Sình ca của dân tộc mình được hình thành và gắn liền với câu chuyện tình của nàng Lưu Ba, một thần tượng của dân tộc Cao Lan (Lưu Ba theo tiếng dân tộc là Lau Slam). Xuất thân từ một cô gái nghèo, Lau Slam xinh đẹp như một bông hoa rừng, lại có giọng hát hay, đối đáp giỏi và tài sáng tác thơ ca. Mười sáu tuổi, Lau Slam đã sáng tác hầu hết những bài hát để trai gái trong làng hát giao duyên (hát đối đáp, một bên hát xướng, bên kia đối lại). Giọng hát Lau Slam trong hơn tiếng suối, khi nàng cất lên là sông ngừng chảy, gió ngừng bay, làm ngất ngây các chàng trai trong vùng, lời hát của nàng luôn cầu mong cho tình yêu lứa đôi, cầu mong cho người nghèo thành giàu, người giàu phải thương người nghèo, người ác nghe lời hát của nàng mà thành lương thiện. Hát Sình ca có hai loại, một là hát theo lời hát có sẵn đã thuộc hoặc có thể họ tự sáng tác trong khi hát đối đáp.

Các thành viên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian Cao Lan thôn Đồng Giàn tập hát Sình ca.

Các thành viên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian Cao Lan
thôn Đồng Giàn tập hát Sình ca.

Điệu hát Sình ca do nàng Lưu Ba sáng tác là hiện thân của cái đẹp, cái cao cả, là giá trị đạo đức, tinh thần, nhân văn tồn tại mãi mãi không bao giờ phai mờ qua thời gian… nàng sáng tác cứ ngân vang khắp bản làng và được đồng bào dân tộc Cao Lan giữ gìn như máu trong tim, truyền tụng từ đời này sang đời khác, người Cao Lan không ai là không biết hát Sình ca. Trong những ngày xuân rạo rực, ngày lễ hội tưng bừng, thanh niên nam, nữ trong các làng hát say sưa câu chuyện về Lau Slam và những lời ca mà nàng để lại.
Trải qua thời gian, dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những làn điệu Sình ca vẫn được người Cao Lan nơi đây gìn giữ và luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đây chính là một nét văn hoá giàu truyền thống, bản sắc của người dân tộc Cao Lan.
Những câu hát nhiều khi chỉ mộc mạc như:
Cây bị gãy vì tham lắm quả
Người có tội vì miệng nói ngoa
Quả ớt tuy cay ăn cả vỏ
Quả chuối tuy ngọt nhưng khi ăn vẫn phải bỏ vỏ ngoài
Vợ chồng dù xấu nhưng chung chăn gối
Tình duyên dù đẹp vẫn có thể chia ly.
CHÂU LINH (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.