Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 05:00:51

Sáu năm Tuất kỳ diệu của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 10/02/2018

N gày 21 tháng 4 năm Canh Dần (19-5-1890) vợ chồng ông Nguyễn Sinh Sắc – Hoàng Thị Loan ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) sinh người con thứ 3, đặt tên là Nguyễn Sinh Cung (sau đổi là Nguyễn Tất Thành).
Năm Mậu Tuất (1898) – Nguyễn Tất Thành đã cùng cha mẹ vào ở Kinh đô Huế được 3 năm, khi cha được nhạc mẫu là bà Nguyễn Thị Kép chu cấp tiền bạc khuyến khích chàng rể học thêm thành tài, cha vừa học vừa dạy học thêm để kiếm tiền, mẹ làm nghề canh cửi mưu sinh. Hai anh em (Khiêm – Thành) cũng được đi học để biết chữ thánh hiền.
Năm Canh Tuất (1910), sau khi cha bị triều đình cách chức Tri phủ Bình Khê (tỉnh Bình Định) vì làm quan nhưng “không biết làm quan”, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đã vào dạy học ở trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận), đến tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn xuất dương tìm đường cứu nước, cứu dân từ “chí hướng” đã định trước đó.
Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người đảng viên Cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Năm Nhâm Tuất (1922), Nguyễn Ái Quốc đã có những hoạt động cách mạng thiết thực, sôi nổi tại Pari từ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản, nhân dân Pháp, bà con Việt Kiều. Tháng 4-1922 đã xuất bản Báo “Le Paria: (Người cùng khổ), hai tháng sau đã sáng tác và trình diễn vở kịch “Con Rồng Tre” (Le Dragon de bambou) đả kích bọn vua quan nhà Nguyễn do Khải Định dẫn đầu sang thăm Pháp để tri ân mẫu quốc bảo hộ, thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 10 -1922, Người được cử tham gia Chủ tịch đoàn Đại hội 2 của Đảng Cộng sản Pháp.
Cuối năm 1929, tuy bị tòa án Nam Triều xử tử hình vắng mặt, từ Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3-2-1930 theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.
Năm Giáp Tuất (1934): Nguyễn Ái Quốc đã đến Liên Xô, vào học ở trường Quốc tế Lênin mấy năm liền, đến năm 1940 trở lại Trung Quốc huấn luyện, đào tạo cán bộ… Tháng 1-1941, mới trở về Tổ quốc sau 30 mùa xuân hoạt động cách mạng ở hải ngoại (1911-1941).
Cùng năm Giáp Tuất lịch sử này, ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu xúc tiến chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao vào tháng 3-1935 sau một thời gian phong trào cách mạng bị tạm thời thoái trào (Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên đều bị bắt, Trần Phú hi sinh khi mới 27 tuổi).
Năm Bính Tuất (1946): Đúng như dự đoán thiên tài của Nguyễn Ái Quốc khi Người viết bài trường ca: “Lịch sử nước ta” năm 1942 tại Cao Bằng: “Việt Nam độc lập – 1945”. Tháng 8 -1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Châu Á ra đời.
Ngày 6-1-1946, cả nước hoàn thành cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội khóa 1 từ Bắc vào Nam, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, giặc đói bị đẩy lùi, đã có trên 2 triệu người thoát nạn mù chữ từ các lớp bình dân học vụ được mở ra ở toàn quốc.
Năm Mậu Tuất (1958), sau khi hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất (kể cả việc sửa sai trong cải cách ruộng đất), nhân dân miền Bắc đã thu nhiều kết quả trong 3 năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh, Quốc hội và Hồ Chủ tịch đã thông qua, ban hành kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế. Tám vạn quân (bộ đội) được “Hạ sao” chuyển sang xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều vùng miền, củng cố hậu phương, khánh thành nhà máy cơ khí trung quy mô ở Hà Nội, xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, phục vụ phát triển nông nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương.
Hồ Chủ tịch kính yêu của dân tộc mất đi sau 58 mùa xuân hoạt động cách mạng, trong đó có 30 năm ở nước ngoài (1911-1941), 24 năm làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là 1 tấm gương sáng vô song. Mấy chục năm qua quân dân cả nước đã ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, những năm gần đây cả nước đang thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị: “Đảy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phấn đấu đưa nước ta, dân tộc ta tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước thành một nước công nghiệp hiện đại để hòa nhập với khu vực và thế giới.
LƯƠNG THIỆN NHÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.