Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 06:17:12

SẮT SON NIỀM TIN VỚI ĐẢNG

Ngày đăng: 26/11/2020

QK2 – Trời đầu đông nhưng dường như vẫn ấm áp bởi tình đồng chí. Những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười rạng rỡ và ngập tràn sự hứng khởi của các đại biểu về dự tọa đàm sĩ quan trẻ tại điểm cầu Quân khu năm 2020. Với chủ đề “Sĩ quan trẻ sắt son niềm tin với Đảng”, đây là hình thức sinh hoạt dân chủ, rộng mở để từng người bày tỏ quan điểm, thể hiện nguyện vọng của mình. Là cơ sở để giải đáp những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ sĩ quan trẻ; giúp họ có cách nhìn đúng về cuộc sống, bình tĩnh trong xử lý các vấn đề nảy sinh, ngăn chặn được những hành động đáng tiếc; đểquan trẻ biết phát huy truyền thống, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, mãi tiếp nối truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

DIỄN ĐÀN ẤN TƯỢNG, Ý NGHĨA

Công tác chuẩn bị cho buổi tọa đàm sĩ quan trẻ tại điểm cầu Quân khu lần này thể hiện khá công phu, chu đáo. Mở đầu buổi tọa đàm là những khúc tráng ca do đoàn Văn Công Quân khu biểu diễn, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những chất giọng truyền cảm, biểu diễn chuyên nghiệp của các ca sĩ, nghệ sĩ đã để lại những ấn tượng lắng đọng trong mỗi đại biểu về dự tọa đàm.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ Phùng Thị Hồng Chuyên chia sẻ: “Tọa đàm sĩ quan trẻ của Quân khu 2 lần này đã để lại rất nhiều ấn tượng, bổ ích từ những câu chuyện, những tâm tư, nguyện vọng của mỗi sĩ quan trẻ. Đặc biệt là rất ấn tượng về những thước phim do Truyền hình Quân khu 2 xây dựng, đã phản ánh khá đậm nét về những cố gắng của thế hệ trẻ hôm nay”. Là cán bộ đoàn, tôi rất kỳ vọng vào đội ngũ sĩ quan trẻ trong LLVT Quân khu 2.

Thượng tá Ma Công Thực, cán bộ Ban Thanh niên Quân đội khẳng định: Tôi đã dự nhiều buổi tọa đàm ở các đơn vị trong toàn quân, nhưng với Quân khu 2 lần này tôi thấy chất lượng rất cao, thông qua nội dung trao đổi của các đại biểu trên diễn đàn; bày tỏ rõ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với cấp ủy, chỉ huy các cấp; thể hiện rõ sự khát vọng được cống hiến và bản lĩnh của sĩ quan trẻ. Tôi mong rằng các cấp ủy, chỉ huy cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để sĩ quan trẻ được rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay cần thấy rõ hơn những thuận lợi để có động cơ phấn đấu rõ ràng; nhận rõ hạn chế để tự đặt kế hoạch khắc phục, rèn rũa, trưởng thành.

Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 tham gia giao lưu tại điểm cầu Quân khu.

Đại tá Nguyễn Văn Xuân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 cho rằng, tọa đàm sĩ quan trẻ lần này chính là thể hiện sự quan tâm của Thường vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đối với đội ngũ sĩ quan trẻ. Mong muốn sĩ quan trẻ cần thẳng thắn, trung thực trong công tác, luôn phải khát khao cống hiến, làm chủ bản thân. Có thể nói, đội ngũ sĩ quan trẻ có vai trò hết sức quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị. Vì đây chính là đội ngũ thường xuyên, gần gũi hướng dẫn, giúp đỡ bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với Sư đoàn 316 đã và đang có những quan điểm và việc làm cụ thể để quan tâm, chăm lo cho đội ngũ sĩ quan trẻ.

Với Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Thu Trang, Nhân viên Quân y Lữ đoàn 297 là đại biểu không rời ghế và luôn dõi theo quá trình tọa đàm cho rằng, các đại biểu dự giao lưu (đặc biệt là với Trung úy Hoàng Ngọc Lâm, Lữ đoàn 168: Thượng úy Ngầm Văn Đoàn, Sư đoàn 316; Trung úy Nguyễn Trung Kiên, Bộ Tham mưu Quân khu) đã thể hiện khá rõ sự vượt khó vươn lên. Mặc dù mỗi người có hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng cả ba đều có nghị lực trong tự lập bản thân, phấn đấu vươn lên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến nay khi đã trở thành những sĩ quan thì mỗi người đều khẳng định rõ năng lực và sự khát vọng cống hiến của mình. Tôi rất tin tưởng và tự hào vào thế hệ sĩ quan trẻ hôm nay.

LẮNG ĐỌNG CẢM XÚC TỪ NHỮNG SẺ CHIA

Là một trong những đại biểu được dự tọa đàm tại điểm cầu Quân khu lần này, Trung úy Hoàng Ngọc Lâm, Trợ lý Trinh sát Pháo binh Lữ đoàn 168 đã có những chia sẻ về sự nỗ lực vượt khó của bản thân từ thủa còn ngồi trên ghế nhà trường, bởi những khó khăn, vất vả vì bố mẹ đều làm nông nghiệp. 3 năm học trung học phổ thông cũng là 3 năm Lâm phải tự làm quen với cuộc sống tự lập, vì cả bố và mẹ đều phải bươn chải ở đất Hà Thành kiếm tiền lo cho gia đình và nuôi chị học Đại học Sư Phạm. Cuộc sống tự lập đã giúp Lâm nghị lực vượt khó, suốt những năm học phổ thông Lâm đều là học sinh giỏi. Mong muốn được đào tạo trong trường sĩ quan để giúp cho bố mẹ đỡ vất vả, năm 2013 Hoàng Ngọc Lâm tình nguyện nhập ngũ vào Lữ đoàn 168; năm 2014 Ngọc Lâm dự thi vào trường sĩ quan Pháo binh, năm 2018 ra trường với quân hàm Trung úy. Về nhận công tác tại Lữ đoàn, Ngọc Lâm được đơn vị đánh giá là một sĩ quan trẻ giàu lòng nhiệt huyết, biết vận dụng kiến thức đào tạo trong nhà trường với thực tiễn.

Các đại biểu giao lưu tại điểm cầu Quân khu

Đối với Thượng úy Ngầm Văn Đoàn, được sinh ra và lớn lên ở bản Xám, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, thủa nhỏ, Đoàn luôn cố gắng vượt qua những khó khăn vốn có ở miền sơn cước để đến lớp, đến trường. Nghị lực của Đoàn luôn được đền đáp bởi những thành tích trong học tập như: Giải thưởng Lý Tự Trọng, học bổng Vừ A Dính của Trung ương Đoàn. Năm học nào Đoàn cũng được khen thưởng. Sinh ra từ một gia đình bần nông, đông anh em, Đoàn là con thứ 8, cũng như bao gia đình ở bản Xám, cái ăn còn không đủ no, mặc không đủ ấm, đi bộ vài chục cây số vượt rừng ra thị trấn trọ học. Khi lớn lên Đoàn còn khó khăn hơn bởi bố là lao động chính nhưng lại bị bệnh hiểm nghèo, gia đình không có khả năng cho Đoàn theo Đại học. Vì thế, năm 2011 Đoàn đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Lữ đoàn 297. Trong suốt những năm là chiến sĩ nghĩa vụ tại Lữ đoàn 297, cho đến khi là học viên trường Sĩ quan Lục quân 1, Đoàn luôn đau đáu phải thật tiết kiệm trong chi tiêu những đồng phụ cấp ít ỏi, để dành tiền gửi về cho mẹ mua mì chính, bột canh, mua thuốc cho bố. Cùng với đó, Đoàn phải luôn cố gắng nỗ lực để thực hiện di nguyện của bố là ra trường phấn đấu có quân hàm Trung úy. Nhưng chỉ tiếc ngày tốt nghiệp ra trường Đoàn không có may mắn được đón bố và trình bố đôi cầu vai trung úy.

Những trái tim Việt Nam chào mừng tọa đàm.

Còn Trung úy Nguyễn Trung Kiên, Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 15, Bộ Tham mưu Quân khu thì lại có hoàn cảnh đặc biệt hơn, bởi cả bố và mẹ đều là thương binh hạng ¼ trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi Kiên mới tám tuổi, bố ra đi mãi mãi và trở thành liệt sỹ. Đúng thời điểm ấy Kiên cũng xa nhà để về Trường Quân sự Quân khu học. Hoàn thiện chương trình Thiếu sinh quân, Kiên vào học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trong những năm tháng xa nhà, cũng là những năm tháng mẹ của Kiên phải chịu sự hành hạ đau đớn do vết thương tái phát. Nhiều lần suy sụp sức khỏe được hàng xóm anh em đưa đi cấp cứu, có lần tưởng chừng không qua khỏi nhưng bà vẫn không muốn cho Kiên biết, vì muốn cho con được an tâm học hành đến nơi đến chốn. Tình thương yêu và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ, chính là động lực thôi thúc Kiên phải cố gắng nỗ lực thật nhiều để bù đắp lại sự hy sinh dưỡng dục của bố mẹ, sự kỳ vọng của những người thân.

NHÌN NHẬN THẤU ĐÁO, HÀNH ĐỘNG KỊP THỜI

Bên cạnh sự quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục của cấp ủy, chỉ huy các cấp, hơn lúc nào hết, mỗi sĩ quan trẻ phải luôn thể hiện rõ thái độ, động cơ, mục đích phấn đấu đúng đắn. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống suy thoái đạo đức; sống có trách nhiệm, nói đi đôi với làm; đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới. Có sự nhìn nhận, phân tích đúng về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội; những khó khăn của đất nước, của Quân đội. Giải quyết hài hoà các mối quan hệ với đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới; mối quan hệ giữa công việc và gia đình, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phát triển, hoàn thiện nhân cách bản thân.

Chúng ta phải khẳng định rằng, đã có biết bao sĩ quan trẻ hàng ngày, hàng giờ đã và đang cống hiến trên các lĩnh vực khoa học để cho ra đời nhiều những sáng kiến hay, giải pháp thiết thực phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ quốc phòng, lưỡng dụng trong phát triển kinh tế. Những người thầy thuốc còn trẻ về tuổi đời, nhưng giàu lòng yêu ngành, yêu nghề ngày đêm chăm lo quan tâm đến người bệnh, luôn coi nỗi đau của người bệnh như chính nỗi đau của chính mình. Hay trên dọc dài biên giới phía Tây, Tây Bắc, hàng trăm sĩ quan trẻ đang ngày đêm cùng bộ đội sẵn sàng chấp nhận khó khăn, hiểm nguy, hy sinh thầm lặng dò gỡ từng trái mìn, vật nổ, trả lại màu xanh cho núi rừng và bình yên cuộc sống. Những sĩ quan trẻ luôn tận tình trong hướng dẫn kỹ thuật trông trọt, chăm sóc các đàn gia súc, gia cầm, giúp đồng bào các dân tộc nơi vùng biên cương Tổ quốc ngày thêm ấm no. Đó cũng chính là minh chứng cho sự khát khao cống hiến của đội ngũ sĩ quan trẻ thế hệ hôm nay.

Tọa đàm sĩ quan trẻ với chủ đề "Sĩ quan trẻ sắt son niềm tin với Đảng" lần này thực sự là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một cách khách quan những vấn đề cơ bản về thực trạng đội ngũ sĩ quan trẻ trong LLVT Quân khu 2 hiện nay, để từ đó các cấp ủy đảng có hướng bồi dưỡng và phát triển đội ngũ sĩ quan kế cận, kế tiếp… Thông qua tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ sĩ quan trẻ. Mong muốn mỗi sĩ quan trẻ chúng ta hãy đừng quên một từ nào trong bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng: “… Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta – Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Hãy khắc ghi chủ đề “Sĩ quan trẻ sắt son niềm tin với Đảng”, coi đây là sợi chỉ xuyên suốt, để nỗ lực vươn lên, cùng nhau quyết tâm thực hiện tốt chủ trương, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trong những năm tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, góp phần quan trọng xây dựng LLVT Quân khu ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.