Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 05:10:02

Quốc phòng toàn dân nhìn từ truyền thống giữ nước

Ngày đăng: 04/12/2019

QK2 – Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt, dựng nước luôn gắn liền với giữ nước. Trở lại lịch sử thời đại Hùng Vương, ở các di chỉ văn hóa thời kỳ đó như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn còn những chứng tích của vũ khí chiến đấu như mũi tên, lưỡi dao, giáo, rìu, dao găm và những mảnh giáp che thân… Điều đó khẳng định chiến tranh cũng đã xảy ra thường xuyên ở đất nước ta. Với những câu chuyện thần thoại, Sơn Tinh – Thủy Tinh là thiên anh hùng ca về cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên, với cái xấu. Đặc biệt câu chuyện Thánh Gióng, dù đã lên ba mà chẳng biết nói, biết cười, tuy nhiên khi nghe sứ giả rao mõ cầu hiền tài cùng nhà vua đi đánh giặc ngoại xâm thì đã vụt lớn như thổi, ăn hết bẩy nong cơm, với mấy vại cà, rồi lên đường ra trận. Theo Ông Gióng ra trận còn có cả làng, cả xã. Đấy là biểu hiện tinh thần chiến đấu bất khuất chống giặc ngoại xâm, dù cậu bé mới ra đời thì hai vai đã gánh nặng nhiệm vụ dựng nước đi liền với đánh giặc giữ nước; là biểu tượng của toàn dân ra trận.

Thi đấu vật truyền thống tại Đền Hùng nhằm rèn luyện sức khỏe góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng đất nước và tạo sức mạnh để chống ngoại xâm là nhu cầu cấp bách, khách quan trong lịch sử dân tộc. Trước nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, sự hợp nhất giữa hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt và sự ra đời nước Âu Lạc vững mạnh hơn, trình độ cao hơn nước Văn Lang. Thời kỳ An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, sau đó dời đô xuống đồng bằng là một biểu hiện của nhu cầu phát triển đất nước lớn mạnh. Người Âu Lạc đã nắm được kỹ thuật rèn sắt. Một bước tiến mới của Âu Lạc trong kỹ thuật quốc phòng, chế tạo được loại nỏ bắn nhiều phát một lần, với mũi tên bằng đồng có ba cạnh sắc. Thành Cổ Loa được xây dựng. Đây là công trình huy động hàng vạn nhân công xây dựng thành chiến luỹ chống xâm lược thể hiện rõ tài năng sáng tạo giữ nước. 

 Năm 111 TCN, nhà Hán chiếm được Nam Việt, đổi vùng đất Âu Lạc thành Giao Châu, áp đặt ách thống trị và bóc lột tàn bạo, nặng nề, chủ trương Hán hóa dân Việt. Từ đây cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ của dân tộc suốt hơn một thiên niên kỷ diễn ra để giữ vững bản sắc văn hóa, tiếng nói, phong tục tập quán đồng thời tiếp thu những tiến bộ, hợp lý của văn hóa Hán nhằm hoàn thiện và nâng cao nền văn hóa, văn minh người Việt, củng cố tinh thần tự lực, tự cường, tăng thêm ý chí đấu tranh giành độc lập tự chủ. Các cuộc khởi nghĩa lớn nổ ra như khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43); khởi nghĩa của nhà Lương (178-181); Triệu Thị Trinh (248); Lý Bí cùng sự thành lập nước Vạn Xuân (544); của Triệu Quang Phục (546-550); của Mai Thúc Loan (722); Phùng Hưng (766-791); Dương Thanh (819-820);  Khúc Thừa Dụ (906)… Đặc biệt năm 938, chiến thắng Bạch Đằng đã đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nam Hán mở ra thời kỳ độc lập, xây dựng đất nước. Ngô Quyền tự xưng vương, lập nên nước độc lập, chọn lại Cổ Loa làm kinh đô thể hiện ý chí lưu giữ truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên.

Suốt thời kỳ phát triển hưng thịnh của các nhà nước phong kiến Việt Nam vẫn luôn xây dựng đất nước trong tình trạng bị ngoại xâm đe dọa, xâm lược. Nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nổ ra. Năm 981, quân xâm lược Tống bị đại bại. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La (Hà Nội) và đổi tên là thành Thăng Long. Thời kỳ nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, sự phát triển rực rỡ của kinh tế, văn hóa gắn liền với những cuộc kháng chiến thần thánh, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa dựng nước và giữ nước. Nhiều chủ trương, chính sách đảm bảo nền quốc phòng vững mạnh được thực hiện như chính sách "ngụ binh ư nông"; chế độ đăng ký quân dịch. Khi có chiến tranh thì thực hiện “tận dân vi binh” để tạo sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Bài thơ “Nam quốc sơn hà”, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc. "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".

Kế sách giữ nước của nhà Trần "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, tạo sức mạnh ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông xâm lược vào các năm 1258, 1285, 1288. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, quy tụ lòng dân và cuộc khởi nghĩa nhanh chóng trở thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô cả nước.

Vào thế kỷ XVIII, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ dẹp các thế lực cát cứ. Trước  nguy cơ xâm lược của quân Xiêm, phong trào nông dân phát triển, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục lập nên chiến công ở Rạch Gầm – Xoài Mút, đuổi 5 vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi nước ta. Tiếp đó, 20 vạn quân Thanh vào xâm lược, nghĩa quân Tây Sơn lại "thần tốc" tiến công ra Bắc, quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nhà Nguyễn đầu hàng nhưng với truyền thống yêu nước, rất nhiều lực lượng gồm các văn thân, sĩ phu yêu nước và các tầng lớp nhân dân đã lần lượt đứng lên đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Các cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra như cuộc khởi nghĩa của Trương Định; Nguyễn Trung Trực; phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết; khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa; khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên; khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng; khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo; khởi nghĩa Trịnh Văn Cấn ở Thái Nguyên; khởi nghĩa Yên Bái. Tuy các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đó đều bị dìm trong biển máu, song nhân dân ta   quyết không chịu mất nước. Truyền thống dựng nước và giữ nước không ngừng được phát huy và tô thắm thêm, đã góp phần vào việc tìm ra con đường cách mạng đúng đắn mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương về sau này.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.