Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 05:21:50

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận cao

Ngày đăng: 08/06/2018

Sáng 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi), với 88,30% tổng số đại biểu tán thành. Luật gồm 7 chương, 40 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại hội trường ngày 22-5. Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.

Dự thảo Luật quy định nguyên tắc hoạt động quốc phòng là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng. Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng (Điều 15). Cụ thể, Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định: Kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế – xã hội.

Về nhiệm vụ, Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ; Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế – quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về phạm vi, hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng với việc làm kinh tế đơn thuần. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Các đoàn kinh tế – quốc phòng được tổ chức, hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, đứng chân và hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người…; có nhiệm vụ tham gia xóa đói, giảm nghèo, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đồng thời là đơn vị quản lý, huấn luyện dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng, chuyển thành các đơn vị bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.