Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 09:01:38

Quân khu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút Corona

Ngày đăng: 01/02/2020

LTS: Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra 30/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận có trường hợp mắc bệnh. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đã tuyên bố sự bùng phát dịch viêm phổi cấp chủng mới của vi-rút Corona từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”. Báo Quân khu đã có cuộc trao đổi với Đại tá,  Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thế Thìn, Phó Trưởng phòng Quân y Quân khu, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Quân khu để làm rõ thêm về vấn đề này.

Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa I NGUYỄN THẾ THÌN, Phó trưởng Phòng Quân y Quân khu.

Phóng viên: Thưa đồng chí Phó trưởng Phòng Quân y Quân khu, đồng chí có thể cung cấp rõ thêm về tình hình dịch bệnh 2019 nCoV trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay?

Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thế Thìn: Như chúng ta đã được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, dịch viêm phổi cấp chủng mới của vi rút Corona (gọi tắt là 2019 nCoV) là một dịch bệnh mới, đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lan nhanh và diễn biến cực kỳ phức tạp, chưa có vaccine, thuốc điều trị đặc hiệu.

Kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo phát hiện ca nhiễm bệnh 2019 nCoV đầu tiên vào ngày 12/12/2019 tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đến nay dịch viêm phổi cấp 2019 nCoV đã trở thành đại dịch, xuất hiện ở 30/31 tỉnh,thành của Trung Quốc và đã lan ra 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại phiên họp của WTO diễn ra lúc 3 giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 31/1/2020 tại thủ đô tại Geneva, (Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc WHO đã tuyên bố dịch bệnh do vi rút corona (2019-nCoV) đang xảy ra tại Trung Quốc và các trường hợp mắc vi rút này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Đây là cuộc họp lần thứ hai của Uỷ ban khẩn cấp WHO kể từ khi ghi nhận các trường hợp xác định mắc nCoV tại Trung Quốc 31/12/2019. Theo Điều lệ Y tế quốc tế (2005):  “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” là sự việc bất thường.

Theo số liệu mới nhất của WTO và Bộ Y tế, số ca nhiễm dịch được phát hiện liên tục tăng nhanh, nhất là ở Trung Quốc. Đến 8 giờ 30 ngày 01/2/2020, WTO đã ghi nhận trên thế giới đã có 11.949 trường hợp mắc bệnh; trong đó ở Trung Quốc có 11.791 trường hợp, đặc biệt trong số đó có 259 trường hợp  tử vong.

Ở Việt Nam, theo thông báo của Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 30/1/2020 cả nước đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh gồm 2 cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) và 3 người Việt Nam trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Trong 5 trường hợp này thì 1 người Trung Quốc đã được chữa khỏi, còn lại 4 người đang được cách ly, theo dõi nghiêm ngặt để điều trị tại các bệnh viện.

Cũng theo Bộ Y tế, mặc dù dịch viêm phổi cấp 2019-nCoV đang diễn biến hết sức phức tạp, nhưng ở Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ; đến 8 giờ 30 ngày 01/2/2020 cả nước không phát hiện thêm ca nhiễm bệnh mới.

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch, bệnh (PCDB) viêm phổi cấp 2019 nCoV, trong Quân đội hiện nay chưa có trường hợp nào nghi mắc bệnh viêm phổi cấp 2019 nCoV.

Phóng viên: Thưa đồng chí, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội; đồng thời là cơ quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quân y trong LLVT Quân khu, Phòng Quân y Quân khu đã đã làm gì trước tình hình đại dịch 2019 nCoV bùng phát hiện nay?

Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thế Thìn: Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh viêm phổi 2019nCoV, Phòng Quân y Quân khu đã chủ động theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình, tham mưu đúng, trúng và kịp thời cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Cục Hậu cần Quân khu; trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Quân khu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp PCDB trong LLVT Quân khu; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với Báo Quân khu và các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo PCDB; trong đó chú trọng tuyên truyền Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 79-CV/TW  số ngày 29/1 của Ban Bí thư về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona và liên tục cập nhật các văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần cùng các cơ quan liên quan để tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn quân y các cơ quan, đơn vị trong công tác PCDB.

Phòng Quân y đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân khu và Ban chỉ đạo PCDB Quân khu kiện toàn Ban chỉ đạo PCDB cấp cơ sở; chỉ đạo các đầu mối trực thuộc Quân khu triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp PCDB; chú trọng các đơn vị đủ quân, huấn luyện chiến sĩ mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, không để dịch bệnh lây lan, xâm nhập vào đơn vị. Đặc biệt là đã tham mưu cho Cục Hậu cần chỉ đạo Bệnh viện Quân y 109, Bệnh viện Quân y 6, Đội Y học dự phòng Quân khu và Bệnh xá Quân y các đơn vị cùng 6 tổ y học dự phòng ở cơ sở  rà soát, điều chỉnh, bổ sung trang, thiết bị, tăng cường nhân lực, chuẩn bị tốt khu cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn…, làm tốt công tác ứng phó, hướng dẫn các biện pháp PCDB, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các bệnh xá, bệnh viện tổ chức phân luồng, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV ngay từ phòng khám bệnh.

Quân y ở cơ sở đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp PCDB tại đơn vị; làm tốt công tác giám sát, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để dịch bệnh lây truyền vào đơn vị. Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, Quân y các cấp trong LLVT Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với ngành Doanh trại, Quân nhu trong việc tăng cường cơ sở vật chất, giám sát đảm bảo ăn chín, uống sôi, giữ ấm cho bộ đội, nhất là trong những ngày mưa rét vừa qua…Quân y Quân khu đã cấp trên 700 kg thuốc Cloramin B cho các cơ quan, đơn vị; các cơ quan, đơn vị đã chủ động huy động ngày nghỉ, giờ nghỉ để tổng vệ sinh, phun thuốc khủ trùng xung quanh doanh trại.

Cùng với đó, Ngành Quân y Quân khu duy trì chặt chẽ chế độ trực 22/24 giờ, báo cáo kịp thời diễn biễn tình hình dịch bệnh trên địa bàn theo phân cấp. (các đơn vị báo cáo Quân khu trước 14 giờ, Quân khu báo cáo về Bộ trước 14 giờ 30 hằng ngày); chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng liên quan trên địa bàn, nhất là các tỉnh biên giới, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và các địa phương có các khu công nghiệp có người đi, về từ vùng có dịch để theo dõi chặt chẽ tình hình, quản lý, giám sát PCDB tại địa bàn; sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ với các địa phương trong công tác PCDB.

Để đảm bảo cho công tác PCDB viêm phổi cấp 2019 nCoV hiệu quả, kịp thời, Quân khu đã cử 7 đồng chí là cán bộ chủ chốt cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCDB Quân khu, Bệnh viện Quân y 109, Bệnh viện Quân y 6 và Đội Y học dự phòng tham gia tập huấn do Cục Quân y tổ chức.

Đặc biệt, ngay trong chiều nay (ngày 01/2), Bộ Tư lệnh Quân khu sẽ tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo PCDB Quân khu triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong công tác PCDB, dưới sự chủ trì trực tiếp của đồng chí Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu; đồng thời đầu tuần tới (ngày 3/2), Quân khu tổ chức tập huấn về công tác PCDB cho trên 60 cán bộ,  nhân viên Quân y ở đơn vị.

Phóng viên: Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự chăm lo trong công tác PCDB của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, hơn lúc nào hết ý thức trong việc tự PCDB của mỗi cá nhân phải được đặt lên hàng đầu. Xin đồng chí cho biết những biểu hiện, triệu chứng cũng như cách PCDB?

Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thế Thìn: Trong PCDB nói chung, nhất là tình hình đại dịch viêm phổi cấp 2019 nCoV đang bùng phát, diễn biến phức tạp như hiện nay thì hơn lúc nào hết việc tự PCDB, tự bảo vệ bản thân của mỗi cá nhân phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi cá nhân phải có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

Theo WTO và Bộ Y tế, biểu hiện, triệu chứng và biến chứng của dịch viêm phổi cấp 2019 nCoV  từ nhẹ đến nặng bao gồm: Sốt cao trên 38oC, ho, đau đầu và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Về cơ chế lây lan của dịch viêm phổi cấp 2019 nCoV, theo Bộ Y tế, Vi-rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh…

Về cách PCDB, Bộ Y tế khuyến cáo mọi cá nhân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp:

Một là: Tránh đi lại nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của mình với nhân viên y tế.

Hai là: Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao hợp lý; tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho; hường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

Ba là: Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

Bốn là: Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Năm là: – Súc miệng bằng nước sát khuẩn; chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Sáu là: Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

Bảy là: Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với các trường hợp đặc biệt phải đi, về từ các vùng nhiễm dịch bệnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

 NGÔ HÙNG (Thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.