Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 01:02:14

Quân khu 2 nguyện làm tốt công tác chính sách

Ngày đăng: 26/07/2021

QK2 – Những ngày trung tuần tháng Bảy, tôi có dịp theo đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu tới thăm viếng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1, Nghĩa trang Tông Khao (thành phố Điện Biên Phủ) và thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là việc làm thường xuyên, sự biết ơn sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đối với người có công, gia đình chính sách – những người đã không tiếc máu xương của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Tiết trời vùng đất thiêng

Sau những tiếng chuông như thúc giục lòng người dội về quá khứ, hồi tưởng sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ – những người đã biết tên và chưa biết tên đang yên nghỉ trên mảnh đất chiến trường xưa. Những rặng hoa dâm bụt rực đỏ thẳng tắp hai bên đường cũng trở lên nghiêm trang, đón chào dòng người đang nhẹ bước chân tiến vào đài tưởng niệm. Nghĩa trang Đồi A1 có tổng 645 ngôi mộ của những nguời con trên khắp mọi miền tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong trận quyết chiến với quân địch tại cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong số 645 phần mộ, có 5 ngôi mộ được đặt ở vị trí trung tâm, đó là Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can, Bế Văn Đàn, Nguyễn Ngọc Bảo. Một số ít ngôi mộ đã có tên tuổi, quê hương nhưng phần lớn số còn lại hiện vẫn chưa xác định được thông tin của các liệt sĩ.

Điện Biên trong tiết trời chiều nắng gắt, dưới chân đài tưởng niệm, Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu cùng đoàn công tác thành kính dâng hoa của Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng và Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu tri ân những người con ưu tú của dân tộc. Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, đồng chí Phó Chính ủy Quân khu thành kính báo cáo những kết quả nổi bật của LLVT Quân khu trong thời gian qua, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, SSCĐ và cùng các cấp, các ngành tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời xin hứa với các anh hùng liệt sĩ, thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu hôm nay sẽ nguyện kế thừa sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Chính ủy QK cùng các đại biểu tặng quà, động viên thương binh Trần Đình Lộc ở thôn C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Đất trời như hiểu được lòng người, giữa cái nắng chiều miền cực Tây bỗng dưng lất phất những hạt mưa đậm, đủ để mọi người cảm nhận sự linh thiêng đến khó hiểu. Mỗi lúc tìm góc cận dòng chữ “mộ chưa biết tên”, cảm xúc của bài thơ xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh của tác giả Văn Hiền lại dội về trong tôi đến nhói lòng: “…Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/ Anh có tên như bao khuôn mặt khác/ Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc/ Tên làng, tên đất theo Anh/ Bình yên sau cuộc chiến tranh/ Anh trở về không tên, không tuổi…”. Thế hệ hôm nay và mai sau có dịp viếng nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, chắc hẳn đều cảm nhận rõ hơn về cái giá của hòa bình. Sẽ tự nhủ với lòng mình, nguyện phấn đấu lao động, học tập và luyện rèn trên các lĩnh vực để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

Chính sách kịp thời niềm vui sẽ nhân đôi

Đó là khẳng định của đồng chí Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn mỗi khi có dịp trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác chính sách. Phó Chính ủy Quân khu khẳng định rõ: Chiến tranh càng lùi xa thì đồng nghĩa với tuổi cao sức yếu của các đối tượng chính sách càng đến gần. Bởi thế, chúng ta phải tích cực hơn trong việc rà soát, nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng để kịp thời quan tâm, chăm lo khi họ còn đang khỏe mạnh. Một gói quà kịp thời, một ngôi nhà khang trang hay những bữa cơm thường nhật cho các mẹ ở tuổi xế chiều… sẽ làm ấm lòng người. Làm được như thế là đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc càng trở nên tốt đẹp, niềm vui của các đối tượng chính sách sẽ được nhân lên gấp bội; những người chồng, người cha, người con đã anh dũng hy sinh cũng sẽ thanh thản hơn ở thế giới bên kia.

Thương binh Trần Đình Lộc, sinh năm 1933 ở thôn C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, khi được đoàn đến thăm, tặng quà đã không giấu nổi niềm vui. Ở  tuổi 88, tuy đôi chân không được vững, nhưng bù lại trí nhớ và tinh thần vẫn luôn đậm “chất lính”. Ông kể chuyện chiến trường Khe Sanh thời ấy các ông đâu có tính chuyện thiệt hơn. Kinh qua nhiều trận mạc nhưng giờ còn được ngồi gặp thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” hôm nay là may mắn lắm. Rồi chuyện khi về đời thường, ông vẫn luôn đau đáu lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Bởi thế, ông luôn tự rèn luyện, phấn đấu, tích cực tham gia công tác xã hội. Ông khẳng định, những người cựu binh như ông vẫn luôn tin tưởng tuyệt đối với Đảng, Nhà nước; đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành và cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu dành cho các đối tượng chính sách.

Men theo con đường mòn dọc bờ suối Nậm Be chừng 1km đến thăm gia đình bà Vũ Thị Thúy thương binh hạng ¼, ở tổ 5, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Sau cái bắt tay xiết chặt của hai thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ”, mọi người quây quần bên bộ bàn ghế mộc mạc, giản dị như tấm lòng người lính. Năm 1972 khi tròn 19 tuổi bà nhập ngũ làm lính cầu phao, lúc ở Thạch Hà, khi ra thực hiện nhiệm vụ bắc cầu phao ở Cầu Nghèn, Can Lộc (Hà Tĩnh), rồi lại vào Quảng Bình thực thi nhiệm vụ… Trong câu chuyện chiến trường, bà Thúy như luôn bị ám ảnh người đồng đội quê Nam Định khi đang thực hiện nhiệm vụ bắc cầu cho xe qua tại Cầu Nghèn thì bị địch thả bom cắt thành 3 mảnh, một phần thi thể bay xuống sông không tìm thấy. Rồi những câu chuyện đêm hôm thực thi nhiệm vụ đòi hỏi phải nhanh và bảo đảm bí mật, an toàn. Những lúc như thế bà và đồng đội luôn nhận được những lời động viên, chia sẻ của đội ngũ cán bộ. Trong số ấy Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người Thủ trưởng để lại trong bà sự linh hoạt, tính quyết đoán và tình cảm như anh em ruột thịt.

Tặng quà của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng chí Phó Chính ủy Quân khu ân cần động viên, chia sẻ với các gia đình chính sách; đồng thời khẳng định, Quân khu sẽ bằng những kinh nghiệm và các giải pháp phù hợp, sát thực để làm tốt hơn nữa công tác chính sách hậu phương Quân đội; làm cho các đối tượng chính sách và nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đây, thế trận lòng dân sẽ ngày thêm vững chắc; tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ đất nước mỗi ngày thêm bồi đắp, để sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước sẽ mãi mãi xanh tươi, đúng như những vần thơ trong bài: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu: “… Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của các chị, các anh không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam…”. Đúng thế, những nơi một thời bom cày, đạn sới đã gieo lại những mầm xanh và được sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, để ai có dịp đến viếng các chị, các anh sẽ cảm nhận miền đất cực Tây đang bừng sức sống giữa mây trời Tây Bắc, xanh trong và kỳ vĩ.

Bài, ảnh: VĂN THI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.