Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 09:55:49

Phục vụ công dân cách ly như người thân

Ngày đăng: 30/03/2020

QK2 – Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, từ đầu tháng 2 đến nay cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc rất vất vả, tham gia nuôi dưỡng phục vụ hàng nghìn công dân thuộc diện phải cách ly. Dù phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm rình rập, cường độ cao, thức khuya dậy sớm nhưng các chiến sĩ đã đem hết tâm trí và tình cảm, phục vụ công dân cách ly như chính những người thân của mình.

Đảm bảo ăn chín, uống xôi cho công dân cách ly.

KHÔNG QUẢN GIAN KHỔ, KHÔNG SỜN HIỂM NGUY

Đã 2 tháng trôi qua như thành một thói quen, Thiếu tá QNCN Ngô Thị Tư, nhân viên nấu ăn tại điểm cách ly xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên (thuộc Trung đoàn 834) cùng các đồng nghiệp thức dậy làm việc từ 4 giờ sáng. Bữa sáng hôm ấy các chị nấu cơm nóng, thịt băm, đậu sốt và canh rau, đóng hộp cấp đến từng công dân. Lo xong bữa sáng các chị xong lại bắt tay vào nấu ăn bữa trưa, rồi bữa chiều. Quân số ăn thì đông, đối tượng thì đa dạng, từ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có bầu, người ăn kiêng… Tiêu chuẩn ăn thì vẫn vậy, nhưng việc bảo đảm phải khác, có thể nấu cháo, miến tùy theo sở thích của mỗi người. Công việc cứ vậy cuốn các chiến sĩ nuôi quân vào đã 8 tuần rồi. Hơn 25 năm quân ngũ là chiến sĩ nuôi quân, chị Tư đã tham gia phục vụ nhiều lực lượng như bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên huấn luyện, diễn tập. Nhưng đây là lần đầu tiên phục vụ công dân cách ly trong điều kiện rất nghặt nghèo.

Tổ nấu ăn có lúc chỉ 5-7 người, nhưng cũng có thời điểm tăng lên 13-14 người, tùy thuộc vào số lượng công dân đến cách ly. Thực đơn hàng ngày được thực hiện theo chỉ đạo của Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh. Và trong khoảng thời gian 2 tháng qua đã có nhiều người cách ly được về với gia đình, còn với những chiến sĩ tham gia phục vụ tại các điểm cách ly chưa được về với người thân mà phải tự cách ly tại một nhà riêng biệt.

Với Thượng úy Lê Văn Tuyến, Tổ trưởng quân y, Trung đoàn 834 thì công việc ngày hai lần phun thuốc khử khuẩn toàn bộ doanh trại, phòng ở; đo thân nhiệt, kiểm tra y tế đối với các công dân cách ly; xử lý rác thải, vệ sinh nơi ở, chỗ nấu ăn; hướng dẫn công dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang đúng quy định. Dù phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người cách ly, nhưng anh Tuyến và các chiến sĩ quân y không hề nao núng, không sợ hiểm nguy. Mà mỗi thái độ, cử chỉ, ánh mắt khi tiếp xúc với công dân luôn thân thiện, gần gũi thể hiện tấm lòng của người lính Cụ Hồ khi chăm sóc nhân dân. Qua đó để người dân cảm nhận rõ, họ chỉ bị cách ly y tế mà không cách lòng.

Theo Trung tá Hà Văn Giao, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 834, hiện đơn vị đang tổ chức 2 điểm cách ly với số lượng 640 công dân. Đối tượng phục vụ rất đa dạng, cả người Việt Nam trong, ngoài tỉnh và người nước ngoài. Ngoài tiêu chuẩn chế độ tiền ăn theo quy định, còn đảm bảo nước uống, xà phòng, kem đánh răng, khăn mặt, giấy vệ sinh, bàn chải, khẩu trang y tế… Phòng nghỉ thì mỗi người một giường, có gối, chăn màn đầy đủ. Hàng ngày quân y đơn vị với ngành y tế của tỉnh kiểm tra kỹ việc nhập lượng thực, thực phẩm; tổ chức cho công dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo dinh dưỡng. Duy trì nghiêm chế độ ngủ nghỉ, báo thức, đôn đốc công dân giữ gìn vệ sinh, nâng cao sức đề kháng.

IN ĐẬM HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH TRONG TRÁI TIM CÔNG DÂN

Sau 14 ngày cách ly, chị Vũ Thị Huê, người xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch được về với gia đình. Chị đã hẹn người nhà lên đón và còn dặn nhớ mua một bó hoa tươi để chị tặng và cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 834. Vì trong suốt quá trình sinh sống tại đây, với chị đó là hai tuần đáng nhớ nhất trong đời, được trải nghiệm, chứng kiến sự tận tâm, chu đáo lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho công dân của các chiến sĩ. Chị Huê chia sẻ, từ ngày tôi còn nhỏ hình ảnh người chiến sĩ đã khắc sâu trong tái tim tôi, không chỉ thông qua chiến công hay trên phim ảnh mà ngay chính những người thân, xóm giềng đã trải qua quân ngũ. Nay sinh sống trong môi trường quân đội, trực tiếp tiếp xúc, chứng kiến những việc làm đầy trách nhiệm của các chiến sĩ với người cách ly, khiến chúng tôi vô cùng cảm ơn và rất xúc động.

Còn với anh Nguyễn Hữu Đức nhà ở thành phố Vĩnh Yên từ Australia về thì những ngày cách ly là khoảng thời gian trải nghiệm tuyệt đẹp. Đang sinh sống, làm việc ở nơi rất đầy đủ và tiện nghi, ngày mới về khu cách ly anh Đức tỏ vẻ băn khoăn và có phần hơi ái ngại. Nhưng chính nhờ sự chu đáo, nhiệt tình cùng những cử chỉ thân thiện anh Đức và mọi người đều rất hài lòng, vui vẻ hợp tác với các chiến sĩ để phòng ngừa dịch bệnh. Anh Đức khẳng định: Qua việc cách ly này một lần nữa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã in đậm trong trái tim tôi. Khi nào hết dịch về bên đó sinh sống chúng tôi sẽ kể chuyện, phổ biến cho nhiều bạn bè, người thân về cách phòng ngừa dịch bệnh rất ưu việt của các cấp chính quyền; về thái độ phục vụ chu đáo cùng cử chỉ nghĩa tình của những người lính trong khu cách ly. Dù người có khó tính đến mấy cũng hài lòng về công tác phục vụ.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Phú Kim, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”, kể từ đầu năm Canh Tý đến nay, cả guồng máy quân sự địa phương, từ cơ quan bộ chỉ huy đến các đơn vị cơ sở đều hoạt động rất căng thẳng như một trận chiến đấu thực thụ. Đặc biệt là các chiến sĩ phục vụ trong khu cách ly, không những gian khổ, vất vả mà còn nguy hiểm, gò bó, thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân. Nhưng được cấp ủy, chính quyền và chính những người cách ly ghi nhận, như là liều thuốc tinh thần giúp cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh vượt qua lúc khó khăn, để tiếp sức cùng chung tay chiến thắng dịch bệnh.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.