Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 09:27:19

Phóng sự: HẠT THÓC VÀ CON NGƯỜI NƠI BỐN XÃ VÙNG BIÊN (KỲ 2)

Ngày đăng: 10/05/2016

Kỳ 2: CHÂN QUEN ĐI BƯỚC  LẠ

 QK2 – Có những mùa mưa, đổ cả cây rừng, có những ngày nắng rang khô ruộng nương nhưng chưa bao giờ chúng “bẻ gãy” ý chí, “đốt cháy” được tâm huyết trái tim những người lính trẻ. Họ là cán bộ, chiến sỹ của Đoàn KT-QP 326 (Bộ CHQS tỉnh Sơn La). Với các anh, giúp đồng bào cũng là tự giúp mình. Phên dậu nơi địa đầu Tổ quốc có yên thì cuộc sống người dân mới vững.

Sau này bộ đội nhận ra một điều rất lý lẽ rằng: Không thể bắc loa gọi người trên cao xuống núi, gọi lưa thưa các nhà về để lập bản, mà phải tìm mô hình để tự người ta phải xuống, phải nhóm họp và hợp nhau lại, tạo thành sức mạnh tự nhiên, theo bản chất quy luật vốn có của tạo hóa.

GIỮ RỪNG ĐỂ MỞ RUỘNG BẬC THANG

Giúp dân không phải là mang ngô treo lên gác bếp, càng không phải tự lấy thóc của bộ đội đổ vào bồ của dân. “Cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con cách phát triển kinh tế trở nên cũ rồi, bởi nhận thức ở vùng nào thì hôm sau cũng phải cao hơn ngày hôm trước, dù chỉ một chút nhỏ xíu như bông gạo ở đầu bản Sổm Pói xưa kia.

Vì vậy điều cần nhất là phải có một mô hình cụ thể từ những người lính của Đoàn KT-QP 326. Từ mô hình đó mà tự nhiên người ta phải tìm đến nhau, rồi gắn chặt từ khi nào cũng không biết.

Chúng tôi được nghe Trung tá Đỗ Lê Hóa, Trưởng ban Dân vận Đoàn 326 kể về việc làm ruộng bậc thang mà thấy sự tài tình của người lính. Nếu chỉ làm ruộng bậc thang sẵn ra đấy, kể cả đưa nước về chưa chắc tất cả dân bản đều thích. Họ sống theo phong tục rất khó thay đổi tập quán trong một vài năm. “Làm cái này phải kết hợp xóa cái kia”. Chúng tôi đã đi tìm nghĩa của câu nói ẩn ý này và lại nhận ra một việc làm rất mới lạ nữa, đó là bộ đội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương triệt để việc cấm phá rừng, đốt rẫy làm nương sau khi đã có những mô hình ruộng bậc thang và ruộng lúa nước đưa vào canh tác được ngay.

Đó là mô hình ruộng bậc thang ở bản Phiêng Ban, xã Mường Lạn, ruộng tập trung ở Nà Vèn, xã Mường Và. Đây là địa bàn khá thuận lợi về điều kiện tự nhiên và nhận thức của đồng bào. Làm mô hình này cho người Thái, người Lào sẽ kéo được rất đông dân cư về sinh sống. Nhưng đối với người Mông, Khơ Mú thì gặp muôn vàn khó khăn. Bởi nhìn những bắp tay, bắp chân cuồn cuộn, cái lưng khom khom kia cũng biết đã nhiều đời rồi họ gắn bó với núi rừng, họ đã quen với rừng từ ngày cha mẹ bỏ rơi rớt trên nương, vì vậy khó nghe theo lắm. Đó là một trở ngại trên con đường giúp dân.

Bộ đội Đoàn 326 giúp nhân dân làm cầu treo qua suối.

Bộ đội Đoàn 326 giúp nhân dân làm cầu treo qua suối.

Nhưng tìm ra con đường sáng lẫn trong bóng tối là việc mà bộ đội phải nghĩ, phải làm.

Một con đập dài Huổi Ca 1, Huổi Ca 2 và đập Mường Và được hình thành sau đó ít lâu từ chương trình của dự án Bộ Quốc phòng với sự đóng góp công sức của quân – dân huyện Sốp Cộp. “Rừng đã bị cấm chặt phá, nguồn nước sẽ nhiều hơn, đủ để làm cho những thửa ruộng bậc thang xanh rì mỗi kỳ mạ non hay vàng óng khi mùa tới, nghèo đói sẽ nằm lại trên nương”. Nhưng những câu nói kiểu như thế khó lòng làm thay đổi được những cái đầu bảo thủ trên cao.

Tìm thấy con đường sáng như hoa nở giữa mùa khô cạn. Và con đường ấy đã thực sự kéo bản làng san sát nhau hơn. Đó là việc bộ đội tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã, có chủ trương cử lực lượng cùng với bộ đội làm ruộng bậc thang, khai phá ruộng hoang cho bà con trồng cấy xong, nếu các hộ trong xã không làm thì sẽ họp bàn dân, mời người xã khác đến canh tác trên mảnh đất ấy.

Lúc này thì những cái đầu “cứng” nhất cũng nghe theo ngay. Vì vậy chỉ một thời gian ngắn, rất nhiều bà con làm nương trước kia đã xin đăng ký làm ruộng và tự trồng lại cây, phủ xanh đến 80% diện tích rừng bị đốt để trồng ngô trước đó. Năng suất lúc đầu rất thấp nhưng nhờ có bộ đội biết đưa giống mới, hướng dẫn cách canh tác, sau này năng suất đã tăng lên gấp 3-4 lần so với giống cũ. Giờ thì người dân ở các xã trong vùng dự án cũng nhận thức ra rằng, không dại gì nhịn đói để nhìn người khác no trên mảnh đất mình đã sinh ra.

Vậy là ngày nào trên đồng, bộ đội cũng nhặt được tiếng cười của dân bản từ lúc mặt trời bắt đầu lên.

NGHE NHỮNG CON ĐƯỜNG REO CA

Trưởng bản Púng Pảng là anh Hạng A Nênh và chị Sộng Mia Dia, nhà gần đó còn chưa hết mừng vui vì từ khi có nguồn nước sạch do bộ đội kéo từ núi Huổi Pó xuống, vừa phục vụ tưới tiêu; vừa dẫn lênh láng vào bể nhà mình thì lại được nghe người Mông, người Thái… đang bàn tán về con đường Huổi Hịa, Nậm Khún – Huổi Luông. Đại ý rằng: “Ừ, phải đấy, nếu bộ đội không làm cho dân bản mình cái đường này, thì hôm nay con ngựa biết đi chỗ nào để chở lúa về nhà được nhỉ?”.

Con đường không rộng nhưng đủ để bà con cười tít mắt cả năm, bởi vì có con đường ấy làm việc gì cũng dễ. Đến thăm nhau thì nhanh hơn và sau này những người trong bản đi giúp các hộ ở xa vận chuyển đồ đạc trong việc quy hoạch dân cư sống tập trung để dành đất khai phá, làm ruộng bậc thang còn dễ hơn nhiều.

Từ ngày bộ đội về đứng chân và từ khi có dự án, chủ trương này đến nay cũng chưa quá lâu nhưng ít nhất đã có hai con đường được mở mà ngày nào âm thanh trên đó cũng được phát ra. Đó là đường dẫn nước và đường dân sinh. Đường dẫn nước từ trên cao xuống thấp sẽ dẫn người từ vùng khô cằn, đèo dốc, cheo leo xuống sống tập trung thành bản, thành làng rồi cùng nhau lao động sản xuất. Nước là khởi nguồn của sự sống, vì vậy không có chuyện người ta sợ hãi bỏ đi khi nguồn nước trong lành đang ngày đêm tuôn chảy, tưới mát cho ruộng cây khô cháy, làm dịu đi cơn khát giữa trơ trọi của núi rừng.

Còn những bước chân bằng da, bằng thịt, ai cũng tự biết chọn cho mình một chỗ bằng phẳng, đẹp đẽ để đặt lên trên. Vì vậy những con đường, những cây cầu bắc qua suối, qua khe do bộ đội mở ở Huổi Hịa hay từ Nậm Khún đến Huổi Luông, thậm chí là cả con đường vành đai biên giới ở Mường Lèo, nó dài đến đâu sẽ có dấu chân của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án đặt đến đó. Chính vì sự thuận lợi như vậy, mà trước đây bản Huổi Mè của xã Mường Lạn nằm trong lòng thung lũng như một đường ống dẫn lũ, nghe theo lời bộ đội, 30 hộ đã di rời đến vùng đất mới khác, an toàn hơn để sinh sống. Sau đó ít ngày, mùa mưa đến, cả bản cũ bị lũ bao trùm, cuốn sạch.

Lúc này bà con dân tộc Khơ Mú mới ngơ ngác, nhìn nhau và tin rằng mình vẫn còn sống, nếu không có bộ đội đến tuyên truyền, vận động sau khi đã nhận ra sự hiểm nguy đó, thì liệu rằng hôm nay người trong bản cũ còn được nhìn thấy người bản mới để kể lại chuyện cũ hay không? Đến giờ ông Pít Cà Pọm, người dân tộc Khơ Mú vẫn còn thấy kinh hoàng.

Hay, như thế này thì đúng là hay quá. Có những việc rất nhỏ, như chỉ bằng hai con đường, đường nước và đường dân sinh mà bộ đội đã tự làm cho đồng bào các dân tộc ở 4 xã biên giới Mường Lèo – Mường Lạn – Mường Và, Nậm Lạnh trong tổng số hàng chục xã vùng dự án tại huyện Sốp Cộp tự hợp nhau lại, đoàn kết làm ăn, sinh sống. Sau này, dù bộ đội có chuyển đi vùng khác thì chắc chắn hai con đường ấy vẫn ngày ngày ngân lên khúc ca ân nghĩa sâu sắc.

Không có sức mạnh nào bằng việc bộ đội đã đi đúng đường và cũng không có sức mạnh nào lớn hơn việc hợp nhất dân cư, quần tụ trên vùng đất tốt để tạo thành sự đoàn kết, gắn bó cho cả đời con cháu sau này.

Kỳ 3 trong vệt bài “Hạt thóc và con người nơi 4 xã vùng biên” chúng tôi muốn truyền tải đến độc giả một việc đang dần hình thành vô cùng ý nghĩa đối với đồng bào vùng cao của cán bộ, chiến sỹ Đoàn KTQP 326. Đó là tất cả bà con nông dân 4 xã vùng biên phải hợp tác với nhau mới có sức mạnh thần kỳ…

Bài ảnh: CHÂU LINH – HOÀNG NGHIỆP

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.