Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 01:13:25

Phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên ở các Trường QS Quân khu

Ngày đăng: 24/12/2019

QK2 – Vi phạm pháp luật là những hành vi trái pháp luật, trái với các quy phạm pháp luật, quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong nội bộ tổ chức, cơ quan, đơn vị do con người thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ. 

Thượng tôn pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói chung, học viện ở các trường quân sự Quân khu nói riêng. Phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên không những nâng cao ý thức, trình độ hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của nhà trường, góp phần hoàn thiện năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của bộ đội và phầm chất, nhân cách, hành vi ứng xử của học viên theo đúng pháp luật. Đây chính là cơ sở, nền tảng để người học viên nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý bộ đội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ sau khi ra trường.

Trước những yêu cầu mới, các nhà trường Quân sự Quân khu đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, trong đó tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho học viên, góp phần không nhỏ vào việc khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội. Các nhà trường Quân sự Quân khu đã chủ động, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên, phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, luôn tích cực đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng học viên.

Từ những kết quả đạt được ở trên, các trường Quân sự Quân khu vẫn còn bộ lộ một số điểm đó là: việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của học viên ở một số nhà trường còn có những hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật có chiều hướng tăng, tính chất lỗi phạm phức tạp; trong đó nổi lên là một số học viên tham gia vào tệ nạn cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá, bán hàng đa cấp, chơi hụi, vay nặng lãi, dẫn đến không có khả năng chi trả; một số học viên thế chấp thẻ đảng viên, chứng minh thư quân nhân và các loại giấy tờ khác do quân đội cấp để vay tiền trái quy định…, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhiều trường hợp phải giải quyết bằng pháp luật, tạo ra những dư luận xấu trong đơn vị và ngoài xã hội.

Thực tế cho thấy các hành vi trên chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan như: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, rèn luyện, duy trì pháp luật, kỷ luật của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị học viên còn hạn chế, thiếu sáng tạo. Công tác nắm tư tưởng chưa tốt, phương pháp giáo dục, quán triệt chưa mang hiệu quả cao, kiểm tra thiếu sâu sát, môi trường văn hóa pháp luật trong đơn vị chưa thực sự lành mạnh. Tính chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tác động của mặt trái xã hội vào đơn vị học viên chưa có; khi phát hiện chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả có biểu hiện sợ ảnh hưởng thành tích…

Để phòng, chống vi phạm pháp luật, hạn chế và chấm dứt các hành vi tiêu cực, tệ nạn xã hội ở các đơn vị học viên thời gian tới, các trường Quân sự Quân khu trong quân đội cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, tăng cường giáo dục, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị nghị quyết, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng tới mọi đối tượng trong nhà trường.

Đây là một giải pháp hết sức quan trọng bởi vì có nâng cao nhận thức, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong phòng, chống vi phạm pháp luật mới tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của học viên. Do đó, các tổ chức, các lực lượng và mỗi cán bộ, học viên cần hiểu rõ vai trò, sự cần thiết của phòng, chống vi phạm pháp luật để hoàn thiện nhân cách người cán bộ, sĩ quan quân đội.

Nhận thức đúng là cơ sở của hành động trong chỉ đạo, định hướng cho hoạt động thực tiễn của mỗi con người. Thực tiễn về phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên trong các trường Quân sự Quân khu vừa qua cho thấy nhận thức, vai trò, trách nhiệm và năng lực của các tổ chức, các lực lượng luôn là nhân tố quan trọng, hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của phòng, chống vi phạm pháp luật. Những thành tự đã đạt được đều bắt nguồn từ chính nhận thức, thái độ, trách nhiệm đúng đắn và nỗ lực tổ chức của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cán bộ, giảng viên, lực lượng trực tiếp phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên. Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên đòi hỏi cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc nghiên cứu, học tập Hiễn pháp, pháp luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội và các quy định của nhà trường; quán triệt thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết, quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, học tập tại chức hàng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong đó trú trọng vào chương trình, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Lãnh đạo, chỉ đạo tốt các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về chấp hành pháp luật, rèn luyện kỷ luật.

Hai là, duy trì nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, kịp thời đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật

Đây vừa là giải pháp cơ bản, đồng thời cũng là một trong những hình thức phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội của học viên ở các trường Quân sự Quân khu hiện nay. Phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội là thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể quản lý với đối tượng quản lý thông qua các tác động bằng những nội dung, hình thức, biện pháp có tác dụng định hướng, điều khiển mọi hành vi của học viên.

Phòng, chống vi phạm pháp luật của học viên thông qua quản lý chặt chẽ, duy trì nghiêm kỷ luật, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội là việc làm đòi hỏi sự kiên trì. Đối với cấp ủy, người chỉ huy các cấp tổ chức tốt việc quản lý, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật quân đội của học viên trên tất cả các nội dung học tập, công tác trong đó tập trung đi sâu vào lãnh đạo, quản lý các mối quan hệ, diễn biến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và ý chí quyết tâm cũng như bản lĩnh, thái độ hành vi ứng xử, giải quyết mọi tình huống xảy nảy sinh về chấp hành pháp luật của học viên. Thực hiện duy trì nghiêm nề nếp chính quy, kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của học viên. Thường xuyên đổi mới, vận dụng sáng tạo các hình thức, biện pháp quản lý, duy trì kỷ luật, xử lý công minh, chính xác, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên ở trường Quân sự Quân khu trong tự phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội.

Phát huy tính tích cực, chủ động của học viên là nội dung biện pháp cơ bản quan trọng có ý nghĩa trực tiếp quyết định tính tự giác chấp hành để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội ở các trường Quân sự Quân khu hiện nay. Bởi vì, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật nghiêm là phẩm chất năng lực công tác, hành động, văn hóa, đạo đức của học viên, phẩm chất ấy không phải do bẩm sinh mà có, mà là kết quả của cả một quá trình tự giáo dục, sự nỗ lực tích cực tự giác rèn luyện của mỗi học viên. Tự học tập, tự rèn luyện nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong tự phòng, chống vi phạp pháp luật, kỷ luật quân đội là quá trình người học tự tổ chức các hoạt động, mang tính chuẩn xác về hành vi theo các yêu cầu của pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội và các chế độ quy định của Nhà trường, tạo thành thói quen tốt trong học tập, rèn luyện, thực hiện các chế độ quy định. Để phát huy tính tích cực, chủ động trong tự phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội người học phải luôn có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao, tự giác, say mê với nhu cầu được trải nghiệm các hoạt động thực tiễn để tiếp nhận những thông tin, tri thức, kinh nghiệm, rèn luyện cho mình bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao về chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội và các quy định của Nhà trường. Ngoài ra, phải có sự định hướng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi của các chủ thể giáo dục, thì quá trình tự học tập, tự rèn luyện mới đạt kết quả cao. Do đó cần xây dựng động cơ, ý chí phấn đấu, không ngừng giành kết quả trong học tập, rèn luyện của mỗi học viên, tác phong nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, tạo thói quen sống và hành động theo Hiến pháp, pháp luật, hành động theo điều lệnh của học viên. Chính vì vậy, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chủ trì, các cơ quan chức năng phải thường xuyên hướng dẫn, giúp học viên xây dựng nội dung, kế hoạch, biện pháp tự học tập, tự rèn luyện để phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. Định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội của học viên ở trường Quân sự Quân khu.

Trung tá, ThS Lê Ngọc Hà (Khoa Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.