Thứ tư Ngày 29 Tháng 11 Năm 2023, 12:27:01

Phòng chống tham nhũng nhằm giữ vững kỷ luật của Đảng

Ngày đăng: 18/07/2023

QK2 – Thời gian qua, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là ngay sau Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mục đích của chúng là đưa thông tin, bình luận nhằm hạ thấp vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Chúng bịa đặt trên cơ sở của nội dung số liệu báo cáo: “Chỉ trong 1 năm qua, đã có đến 2.196 văn bản được các Ban chỉ đạo tham mưu, ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở địa phương. Điều này chứng tỏ các địa phương chống tham nhũng theo chỉ đạo từ bên trên, chứ tự họ thì không làm được. Đây là đặc trưng của nhà nước độc tài. Chuyện gì cũng cần có chỉ đạo mới làm, chứ cấp dưới không dám tự quyết”.

Quân nhân Bộ CHQS và chiến sĩ Công an tỉnh Phú Thọ tiếp cận cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thực tế 2.196 văn bản này được Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trong cả nước tham mưu, ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở các địa phương, chứ không phải 2.196 văn bản này là của Trung ương ban hành để địa phương thực hiện. Thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, hơn 1 năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng: Đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi chỉ đạo; khởi tố mới 530 vụ án/1858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1132 bị can. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như trước đây.

Chúng ta đều biết, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam đã xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là quyết tâm chính trị lớn của Đảng ta. Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Đảng và Nhà nước ta đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, với mức án nghiêm khắc và nhân văn; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế – xã hội và phòng chống tham nhũng; kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng… Nhờ đó, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Toàn Đảng và hệ thống chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn giữ vững quyết tâm, kiên quyết, kiên trì, đấu tranh không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể, hiệu quả trong phòng ngừa, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định với đường lối và sự nghiệp đổi mới của Đảng, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Một số kẻ lợi dụng tung lên các trang mạng xã hội cố tình phủ nhận những kết quả trên, đồng thời lại cố tình bới móc, lượm nhặt những thông tin vụn vặt xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta. Thực hiện đường lối, chủ trương về phòng, chống tham nhũng trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII của Đảng, trong những năm qua đã thu được những thành quả to lớn; Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, năm 2018 Quốc Hội lại tiếp tục ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Cùng với Hiến pháp và Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Để phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có một chế định pháp lý riêng, quy định các tội phạm tham nhũng. Những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và góp phần rất lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.