Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 02:11:47

Phát huy tinh thần Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng: 14/10/2020

Sau thất bại nặng nề trong cuộc hành quân lên Việt Bắc Thu-Đông 1947, thực dân Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài, thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”.

Trong hai năm 1948-1949, chúng tăng cường càn quét, mở rộng vùng chiếm đóng ở trung du và đồng bằng, nhưng không thực hiện được cuộc tiến công quy mô lớn nào. Đến giữa năm 1950, cùng với việc củng cố hành lang Đông-Tây, địch thực hiện được kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du, Đồng bằng Bắc Bộ và củng cố phòng tuyến biên giới Đông Bắc. Tình hình đó đặt cuộc kháng chiến của nhân dân ta trước những khó khăn mới về lương thực, tài chính…, nhất là trên chiến trường chính Bắc Bộ, tác động mạnh đến kế hoạch xây dựng lực lượng và phạm vi hoạt động của bộ đội chủ lực; đời sống của nhân dân, lực lượng vũ trang ta ở các vùng căn cứ, vùng tự do gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu cung cấp lương thực, vũ khí trang bị cho xây dựng các lực lượng và chiến đấu ngày càng lớn.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta ra sức xây dựng lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân, đặc biệt là ở vùng sau lưng địch. Một bộ phận lớn chủ lực hoạt động theo phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, trên cơ sở đó từng bước tập trung chủ lực để rèn luyện và nâng cao trình độ vận động chiến. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, “trên toàn quốc, quân ta đã mở chừng 20 chiến dịch nhỏ. Qua các chiến dịch đó, ta đã tiêu diệt một phần sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai, góp phần hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích”(1). Tuy nhiên, xét về thế và lực, ta chưa tạo ra được chuyển biến quan trọng về cục diện trên chiến trường. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá âm mưu của địch phong tỏa biên giới phía Bắc, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế(2). Do kết quả Chiến dịch Lê Hồng Phong 1 trên hướng Tây Bắc chưa đáp ứng được yêu cầu chiến lược đó, ngày 7-7-1950, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Lê Hồng Phong 2 (Chiến dịch Biên giới) tiến công vào phòng tuyến địch trên Đường số 4, nhằm: “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”(3). Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”(4), Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung phần lớn lực lượng chủ lực trên chiến trường Bắc Bộ (tương đương hai đại đoàn) và lực lượng lớn dân công phục vụ chiến dịch.

Phi công tiêm kích đa năng SU-30MK2 của Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) trao đổi kinh nghiệm sau ban bay huấn luyện.Ảnh: HOÀNG HÀ.

Với ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo và động viên bộ đội; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh, được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch và trực tiếp chỉ huy trận tiến công Đông Khê mở màn chiến dịch. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) phụ trách công tác dân công và huy động vật chất phục vụ chiến dịch. Quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, ta đã kịp thời điều chỉnh, chuyển mục tiêu tiến công chủ yếu từ thị xã Cao Bằng xuống Đông Khê, tạo thế, lực, thời cơ đánh quân ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ và truy kích địch, tiêu diệt hai binh đoàn cơ động của quân Pháp, hoàn thành xuất sắc mục đích, yêu cầu đã xác định.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối kháng chiến mà Đảng ta vạch ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vận dụng phương pháp tác chiến đầy mưu trí, sáng tạo, trải qua 29 ngày đêm (từ 16-9 đến 14-10-1950) chiến đấu quyết liệt, ta đã giành được thắng lợi to lớn, không chỉ tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, tinh nhuệ của địch mà còn giải phóng một vùng đất rộng lớn, khai thông biên giới Việt Nam-Trung Quốc và nối liền liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Thế bao vây cả trong lẫn ngoài của địch đối với ta bị phá vỡ. Chiến thắng Biên giới mở ra bước ngoặt cơ bản, chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Bằng Chiến thắng Biên giới, ta đã làm phá sản kế hoạch quân sự, chính trị của Pháp, đập tan vòng vây biên giới, chọc thủng hành lang Đông-Tây, cơ bản làm sụp đổ kế hoạch Revers. Thất bại ở biên giới năm 1950 là “chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược”(5) của thực dân Pháp.

Chiến thắng Biên giới là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân ta, là sự kiện lịch sử đánh dấu bước nhảy vọt, tạo chuyển biến quan trọng về cục diện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau Chiến thắng Biên giới, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của chiến dịch luôn được quân và dân ta kế thừa, phát huy, trở thành động lực trực tiếp góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của sự nghiệp xây dựng quân đội, tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thời gian tiếp theo.

Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) thực hành huấn luyện vượt sông.Ảnh: HOÀNG HÀ.

Phát huy kết quả, tinh thần Chiến thắng Biên giới, từ năm 1951 đến năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta được xây dựng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, liên tiếp mở nhiều chiến dịch trên các chiến trường giành thắng lợi, điển hình như: Hòa Bình, Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), nhất là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tinh thần Chiến thắng Biên giới tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong xây dựng quân đội, chiến đấu bảo vệ miền Bắc và tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam. Giai đoạn này, Quân đội ta có sự phát triển vượt bậc cả về tổ chức lực lượng, trình độ chỉ huy tác chiến, nghệ thuật quân sự; từng bước hình thành các quân chủng, binh chủng, quân đoàn chủ lực cơ động mạnh, thực sự trở thành nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Nhờ đó, quân và dân ta đã lần lượt đánh thắng các chiến lược “Chiến tranh đơn phương”; “Chiến tranh đặc biệt”; “Chiến tranh cục bộ”; “Việt Nam hóa chiến tranh”; đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972), bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội và hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viết nên trang sử hào hùng, oanh liệt của thời đại Hồ Chí Minh; hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày đất nước thống nhất, tinh thần Chiến thắng Biên giới năm 1950 tiếp tục được quân đội phát huy trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, đấu tranh làm thất bại kế hoạch hậu chiến của các thế lực thù địch; xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh và anh dũng chiến đấu, cùng toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần Chiến thắng Biên giới 1950 tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta tiếp tục được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Quân đội đã chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu với Đảng, Nhà nước có quyết sách đúng đắn, xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh cả trên không, trên biển, biên giới, nội địa và không gian mạng. Đồng thời, quân đội đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ các cấp; luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới… nhất là trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; xung kích trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Ở những nơi xung yếu, tình huống khó khăn, nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có mặt, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Hình ảnh đó đã tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ; thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân-dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nền tảng để xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, quân đội đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đang đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó dự báo; tranh chấp chủ quyền, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, tiến công mạng và những vấn đề an ninh phi truyền thống gia tăng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Tình hình Biển Đông đã và đang có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội bằng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Trước tình hình đó, cần tiếp tục phát huy tinh thần Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 để đẩy mạnh xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”(6), tạo bước phát triển mới về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, củng cố quốc phòng, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện điều đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt sâu sắc và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tập trung xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Đây là nội dung quan trọng, bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững phương hướng, mục tiêu chiến đấu, xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong điều kiện mới, các cấp ủy đảng cần tập trung xây dựng tổ chức đảng cấp mình vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm cho quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng; kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội.

Các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu của quân đội, truyền thống lịch sử dân tộc, bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, xây dựng ý chí, niềm tin, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh luôn trung thành vô hạn với Đảng, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, quyết liệt thực hiện điều chỉnh tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Kế thừa kinh nghiệm phát huy sức mạnh của bộ đội chủ lực, bảo đảm giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt khâu đột phá về điều chỉnh tổ chức, biên chế, triển khai thực hiện có hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tổ chức, biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam(7) theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo, rèn luyện kỷ luật, thể chất. Toàn quân tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tập trung thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, diễn tập; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật. Tăng cường huấn luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập đối kháng trong các môi trường và tác chiến khu vực phòng thủ.

Ba là, Phát huy tinh thần chủ động, kịp thời nắm chắc tình hình, nhất là công tác nắm địch, để tạo nên yếu tố bí mật, bất ngờ, nhanh chóng giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới; các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng; thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá chính xác tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chiến lược, sách lược đúng, linh hoạt, phù hợp để chủ động hóa giải các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Toàn quân duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sẵn sàng chiến đấu; làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ vùng biển, vùng trời, biên giới, hải đảo; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Công an nhân dân và các lực lượng khác xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ. Phát huy vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ các cấp, lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ vững chắc, chú trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm.

Bốn là, tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng. Phát huy tinh thần chủ động hội nhập quốc tế của Chiến dịch Biên giới, cần quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Bám sát thực tiễn, phân tích và dự báo chính xác mọi biến đổi của tình hình, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách, cơ chế thích hợp để đối phó hiệu quả với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” để ngăn chặn, triệt tiêu nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Đẩy mạnh hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị; ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước tiềm năng; gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước. Tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở các mức độ khác nhau. Tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, gắn kết chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; chủ động tham mưu các phương án ngoại giao hiệu quả, giảm căng thẳng, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc… hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, phát triển nghệ thuật quân sự, nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng. Kế thừa, phát huy tinh thần tích cực, chủ động trong Chiến thắng Biên giới, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự; nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng trong nước để từng bước hiện đại hóa quân đội, làm cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa chiến thuật và kỹ thuật trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Cơ quan chiến lược và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu sự thay đổi trong điều kiện hiện nay để phát triển nghệ thuật quân sự, bảo đảm đối phó hiệu quả với phương thức tác chiến mới của đối phương, phù hợp đặc điểm địa bàn, không gian, môi trường tác chiến, tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị của ta. Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hòa nhập với công nghiệp quốc gia, đạt trình độ tiên tiến, nâng cao tính lưỡng dụng. Từng bước tiếp cận, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị, phương tiện công nghệ cao phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa quân đội, tạo bước chuyển đột phá về trình độ, khả năng, sức mạnh sẵn sàng chiến đấu.

Sáu là, tập trung nâng cao chất lượng công tác dân vận, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân. Chiến thắng Biên giới có được là do nhiều nguyên nhân, trong đó, các đơn vị bộ đội chủ lực đã được nhân dân trên địa bàn chiến dịch hết lòng ủng hộ, đùm bọc, giúp đỡ. Trong tình hình mới, các đơn vị quân đội tiếp tục thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, công tác “đền ơn đáp nghĩa”; tham gia có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo… Tiếp tục phát huy vai trò quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh (điển hình như đã tham gia có hiệu quả cùng toàn Đảng, toàn dân phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua), tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả chiến tranh… Qua đó, tăng cường “thế trận lòng dân”, góp phần củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng ngày càng vững chắc.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới (1950-2020) trong bối cảnh nước ta giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950; từ đó, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

———-

(1) Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 – 1975, Nxb QĐND, H, 1995, tr.78.

(2) Ngày 1-10-1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, tạo ra điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta.

(3) Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, Sđd, tr.83.

(4) Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp-Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 1999, tr.164.

(5) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb QĐND, H, 2000, tr.288.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.149.

(7) Kết luận số 16-KL/TW ngày 7-7-2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021; Nghị quyết số 606-NQ/QUTW ngày 16-6-2018 về lãnh đạo triển khai Kết luận số 16-KL/TW ngày 7-7-2017 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 217-KH/QUTW ngày 13-3-2018 của Quân ủy Trung ương về triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Quyết định số 2574/QĐ-BQP ngày 30-6-2018 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 606-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương…

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.