Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 03:08:32

Phân biệt hành vi có dấu hiệu Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Ngày đăng: 05/09/2018

QK2 – Trong các vụ án hình sự có liên quan đến hợp đồng dân sự, kinh tế người phạm tội che dấu mục đích, ý thức chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh nhằm xác định có hành vi chiếm đoạt hay không. Dưới đây là một ví dụ tổng quan phần nào giúp chúng ta phân biệt giữa hành vi có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi vi phạm hợp đồng dân sự, kinh tế.

“Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi 2017).

Nguyễn Văn A hợp đồng thuê xe ô tô của Trần Văn B để đi du lịch tại địa điểm H. Hẹn sau 5 ngày phải trả xe ô tô. Đến thời hạn phải trả nhưng A không trả xe cho B. Như vậy, A đã vi phạm hợp đồng (hợp đồng thuê xe) giữa A và B. Nhưng nếu chứng minh được:

Trước khi đến thuê xe, do A đánh bạc đã thua hết tiền nên đã tìm cách thuê xe của B để chiếm đoạt, khi thuê xe A nói với B để đi du lịch, B giao xe cho A, ngay sau khi nhận xe ôtô, A không đi du lịch mà đem đặt xe lấy tiền đánh bạc. Trường hợp này A có ý định chiếm đoạt ngay từ đầu để lấy tiền đánh bạc nhưng lại lừa dối B là thuê xe để đi du lịch nên B đã tưởng thật giao xe cho A, đến khi phải trả xe, A không trả được và thực tế xe đã bị chiếm đoạt, A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp đúng là A thuê xe ôtô để đi du lịch, A chuẩn bị đầy đủ hành trang và sau khi thuê xe, A lái xe đó đi du lịch, nhưng trong thời gian đi du lịch, nghỉ mát A đã chơi bạc hết tiền, A đem xe đi đặt tại tiệm cầm đồ lấy tiền chơi bạc, đến khi phải trả xe cho B, A không trả được. Trong trường hợp này việc A nhận xe của B là hoàn toàn ngay thẳng, hợp pháp, nhưng sau khi nhận xe, A đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp và chiếm đoạt nên A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Từ ví dụ trên đây, mặc dù trong từng trường hợp đều có biểu hiện cụ thể giống nhau, đó là: A hợp đồng thuê xe ô tô của B để đi du lịch, A hoặc đi du lịch hoặc không đi du lịch và đến thời hạn phải trả xe, A không trả được nhưng nếu chứng minh được A có ý thức chiếm đoạt và có hành vi chiếm đoạt thì tùy trường hợp mà A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

BÙI MẠNH THUYẾT

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.