Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 01:18:33

Nông thôn mới Tân Trào

Ngày đăng: 20/05/2016

 Xã Tân Trào (Sơn Dương) không chỉ nổi tiếng bởi có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào nhiều điểm di tích lịch sử, mà hôm nay còn nổi tiếng bởi nhiều cái nhất, như: Về đích sớm nhất trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, có làng Văn hóa Tân Lập và làng nghề Vĩnh Tân sớm nhất tỉnh.

Du lịch trở thành ngành mũi nhọn

Ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Trào tự hào, Tân Trào có một lợi thế khổng lồ so với các địa phương khác của tỉnh trong phát triển du lịch là có nhiều điểm Di tích lịch sử văn hóa. Cùng với những điều kiện tự nhiên, lịch sử – văn hóa thuận lợi như vậy, người dân ở Tân Lập đã nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh. Nhờ thế, du lịch Tân Trào những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể.

Cọn nước xã Tân Trào được Tổng cục Du lịch hỗ trợ trong gói hỗ trợ phát triển du lịch.

Cọn nước xã Tân Trào được Tổng cục Du lịch hỗ trợ trong gói hỗ trợ phát triển du lịch.

Trước đó, cuối tháng 12-2015, gói hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch Tân Trào do Tổng cục Du lịch thực hiện gồm các hạng mục: Hỗ trợ một số gia đình tại Làng Văn hóa Tân Lập cách làm du lịch homestay, đón và phục vụ hiệu quả khách du lịch; hỗ trợ các trang thiết bị để xây dựng phòng thông tin giới thiệu tại Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào; dựng một số biển quảng cáo du lịch tại ngã ba huyện Sơn Dương và tại các tuyến, điểm du lịch chính trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; dựng 2 cọn nước để tạo cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hình ảnh quen thuộc với bản làng miền núi; hỗ trợ Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào nâng cấp website nhằm tăng cường hiệu quả quảng bá du lịch; tổ chức đoàn khảo sát Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào để đánh giá toàn diện tiềm năng của khu di tích, xác định rõ trọng tâm sản phẩm, lợi thế so sánh của Tân Trào với các điểm đến khác trong khu vực.ong chương trình phát triển của Tân Trào, xã đã xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020, đưa du lịch trở thành một trong 4 khâu đột phá cho phát triển kinh tế –  xã hội. Mục tiêu là từ nay đến năm 2020, du lịch của Tân Trào phải phát triển tương xứng với tiềm năng, đem lại sự thay đổi đáng kể cho người dân. Cùng với đó, Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện nhằm tạo tính liên thông phục vụ khách tham quan giữa các điểm di tích và cảnh quan sinh thái một cách tổng thể, hình thành tour tuyến du lịch, kết nối, tương tác với các điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh lân cận, để du lịch Tân Trào bứt phá trong những năm tới đây.

Làng văn hóa thôn Tân Lập nằm trọn trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với gần 100% người dân tộc Tày sinh sống. Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, ngày nay, làng Tân Lập còn lưu giữ được những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày trong những ngôi nhà sàn truyền thống và những làn điệu then, cọi. Chị Phan Thị Hiên, một trong những gia đình làm dịch vụ du lịch sớm nhất ở thôn Tân Lập cho biết, ở thôn hiện chỉ có 1-2 hộ làm dịch vụ ăn uống, còn dịch vụ homestay thì đã có vài hộ gia đình làm rồi. Bắt tay vào làm dịch vụ du lịch, cái gì cũng lạ lẫm, nhưng cũng nhờ các lớp tập huấn, hướng dẫn của ngành du lịch, của huyện, các chuyến khảo sát, thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn nên người trong thôn đã chủ động hơn, tự tin hơn trong nghề của mình.

Trồng cây ăn quả quy mô hàng hóa 

Tại xã Tân Trào, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Sơn Dương, xã đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng cây ăn quả quy mô hàng hóa”, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng thu nhập cho người dân. Từ đất vườn đồi, xã đã phối hợp với nhóm nghiên cứu dự án chọn hơn 200 hộ tham gia thực hiện mô hình trồng 14 ha chuối, táo, ổi. Trong đó 6 ha chuối tiêu hồng, 2 ha ổi OĐL1; 5 ha đại táo và 1 ha táo Đài Loan. Đối với mô hình trồng mới giống chuối tiêu hồng, nhóm nghiên cứu dự án đã chọn 117 hộ tham gia thực hiện và hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng. Đến nay, một phần diện tích cây chuối đã cho thu hoạch quả, năng suất đạt 42,8 tấn/ha. Mô hình trồng mới cây táo, gồm 128 hộ tham gia. Đối với mô hình trồng mới giống ổi OĐL1, xã có 49 hộ tham gia. Đến nay, cây ổi OĐL1 sau trồng năm thứ nhất đã cho bói quả, năng suất ước tính khoảng 3-5 kg/cây, giá bán trung bình khoảng 18.000 đ/kg.

Anh Phạm Hữu Tân, chủ nhiệm dự án cho biết, mô hình trồng chuối, táo, ổi đã góp phần phát triển vùng trồng cây ăn quả quy mô hàng hóa, đẩy nhanh việc phủ xanh đất còn hoang hóa, cải thiện môi trường. Dự án còn giúp người dân xã Tân Trào tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất thâm canh từ khâu chăm sóc, thu hoạch. Qua đó tạo thói quen ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Sống được bằng nghề

Anh Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân chia sẻ, làng nghề chè Vĩnh Tân của thôn Vĩnh Tân đã được công nhận là làng nghề từ tháng 11-2014. Thôn có 111 hộ dân, thì có tới 105 hộ trồng chè với diện tích trên 100 ha, 6 hộ còn lại không trồng chè nhưng cũng làm những việc liên quan đến chè như chế biến chè, thu mua chè… Từ ngày được công nhận là làng nghề đầu tiên của tỉnh, người dân trong thôn vui lắm, không chỉ vì cái “tiếng”, mà vì thu nhập cũng dần tăng theo từng năm. Nếu như năm 2011 thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng thì đến nay đã tăng lên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ở Vĩnh Tân, mỗi tháng người dân chỉ thu hái chè 1 lần, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được người dân áp dụng triệt để. Giá chè của làng giờ là gần 130 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/kg. 105 hộ trồng chè, hộ nào cũng sắm cho gia đình vài máy sao chè, nhà 3 tôn, nhà 4 tôn, “người người trồng chè, nhà nhà làm chè” nhưng người làng Vĩnh Tân bảo nhau không được làm ẩu, mà ngày càng nâng cao chất lượng chè, để sản phẩm chè làng mình không lẫn với chè ở những nơi khác, không làm mất cái tiếng làng nghề mà mình đã mất bao công gây dựng.

Chị Phạm Thị Mấm, thôn Vĩnh Tân cười vui bảo, nhà có gần 1 ha chè, mỗi năm cũng thu hái được trên 12-14 tấn chè tươi, chè làm ra đến đâu bán hết đến đấy, chẳng bao giờ tồn trong nhà quá 3 ngày. Có được điều này người dân chúng tôi mừng lắm, làng nghề giờ trở thành niềm tự hào của bà con trong thôn rồi!

Người làng nghề Vĩnh Tân hiện đã sống được với nghề, nhưng vẫn còn mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, xây dựng một khu trưng bày sản phẩm chè, được kết nối tour tuyến để đưa khách du lịch về thăm làng nghề làm chè, thưởng thức sản phẩm chè với dân như cách mà một số làng nghề chè ở tỉnh Thái Nguyên lân cận đang làm. Có thế mới không “phí” cái tiếng làng nghề đầu tiên của tỉnh – trưởng thôn Vĩnh Tân Phạm Ngọc Thảnh khẳng định.

(Theo TQĐT)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.