Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:19:27

Nội dung cơ bản của Luật Thi hành án dân sự

Ngày đăng: 13/06/2022

Thi hành án dân sự là hoạt động đưa bản án, quyết định dân sự hoặc phần dân sự trong trong bản án, quyết định về hình sự của tòa án có hiệu lực pháp luật ra thi hành, làm cho các phán quyết có hiệu lực trên thực tế nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân, cơ quan, tổ chức. 
Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, đã thông qua Luật Thi hành án dân sự (THADS), gồm 9 chương, 183 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2009, thay thế Pháp lệnh THADS năm 2004. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, có nhiều nội dung đổi mới trong tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự.
Theo đó, hệ thống tổ chức THADS được thành lập và quản lý tập trung thống nhất theo 3 cấp: Trung ương (Tổng cục THADS), cấp tỉnh (Cục THADS tỉnh), cấp huyện (Chi cục THADS huyện). Hệ thống tổ chức thi hành án trong Quân đội gồm: Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý thi hành án trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ở Quân khu và tương đương có Phòng Thi hành án Quân khu và tương đương. 
Luật THADS quy định cụ thể: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS phải là Chấp hành viên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm. 
Chấp hành viên Cơ quan thi hành án có 3 ngạch (sơ cấp, trung cấp và cao cấp), đồng thời quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên phải thông qua thi tuyển và bỏ quy định hiện hành về việc bổ nhiệm Chấp hành viên theo nhiệm kỳ. Trong khi thi hành công vụ, Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm thay vì 3 năm như trước đây nhằm bảo đảm quyền về tài sản của đương sự theo quy định của Bộ Luật dân sự và thông lệ quốc tế. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án (THA), người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THA có thẩm quyền ra quyết định thi hành. Hết thời hạn đó mà không yêu cầu thì mất quyền yêu cầu (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Trong thời hạn 10 ngày (trước đây là 15 ngày), kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. 
Ngoài ra, Luật THADS còn quy định một số trình tự, thủ tục khác về thi hành án như: Trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế THA, Chấp hành viên có quyền chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm THA: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc THA. 
Đối với việc thi hành các khoản thu cho ngân sách Nhà nước có trị giá không quá 500.000 đồng (năm trăm nghìn), mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 5 năm, tính đến ngày Luật THADS có hiệu lực thi hành, nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành thì Tòa án cấp huyện nơi Cơ quan THA có trụ sở, ra quyết định miễn phí thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó theo đề nghị của Cơ quan THA và Viện Kiểm sát. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành hoặc đã thi hành được một phần các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi hết thời hạn theo quy định. Người phải THA đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam (hoặc trại tạm giam) thì giám thị trại giam, trại tạm giam thu các khoản tiền, tài sản mà người phải THA, thân nhân của người phải THA nộp để THA và chuyển cho cơ quan THA xử lý theo quy định của pháp luật. 
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THA, Luật THADS dành một chương (chương VIII) để quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong THADS và trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với Cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên trong việc THA.
 Thiếu tá HÀ THỊ THANH HUYỀN
 (Phòng Thi hành án Quân khu 2)
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.