Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 07:57:33

Niềm vui và trách nhiệm

Ngày đăng: 05/11/2018

QK2 – Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do bia rượu đã liên tiếp xảy ra, đáng chú ý nhất là vụ một nữ tài xế điều khiển ô tô gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh, thành phố Hồ Chí Minh làm 1 người chết, 7 người bị thương. Điều này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta: đừng vì vui một chút mà chậm cả đời!

Bia rượu – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông.

Chẳng biết từ bao giờ, rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, tiệc, hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Uống rượu được xem như một nét văn hóa và thậm chí là tốt cho sức khỏe nếu uống đúng cách, chừng mực, điều độ và “văn hóa”. Tuy nhiên, hiện nay, con người đã và đang quá lạm dụng rượu, bia với nhiều mục đích khác nhau, để “vui vẻ”, để “ngoại giao”… Điều này khiến nó trở thành một trào lưu xấu xí. Họ không hiểu được rằng đằng sau những chén rượu ấy, những cuộc vui ấy là những tai họa từ việc con người ta không còn giữ được trạng thái tỉnh táo, nhất là khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia. Trên thực tế, số vụ TNGT đau thương do “bia dẫn lối, rượu đưa đường” còn lớn hơn. Bia rượu đã cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người vô tội và để lại nỗi đau tột cùng cho người thân của họ. Với nồng độ cồn 0,94 miligam/1 lít khí thở, vượt ngưỡng rất xa so với mức quy định là 0,25miligam/lít khí thở, người phụ nữ kia thực sự đã uống rất nhiều. Vậy tại sao chị ngang nhiên vẫn lái xe ra về? Chị có thể đã có một bữa liên hoan vui vẻ nhưng người con gái nằm dưới gầm xe của chị đã vĩnh viễn không kịp trở về nhà đoàn tụ bên gia đình. Chị say rồi chị sẽ tỉnh, nhưng nạn nhân của chị liệu có thể tỉnh lại được không? Sao mà nó lại đơn giản, dễ dàng, bất ngờ và tàn nhẫn đến thế!

Những khẩu hiệu kêu gọi uống có trách nhiệm, uống có văn hóa, tính mạng con người là quan trọng hơn tất cả… dường như không có nhiều tác dụng khi mà những điều ngược lại ngày càng ra tăng. Đâu sẽ lại vào đó nếu như không có sự thay đổi trong ý thức của người dân khi tham gia giao thông cùng với sự vào cuộc tích cực, kiên quyết hơn nữa của các cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về nồng độ cồn, các chế tài xử lí cần nghiêm khắc hơn. Điều này giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức, phải đảm bảo tỉnh táo, đủ sức khỏe, tuyệt đối không lái xe nếu như đã uống rượu bia.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Xây dựng các chế tài nghiêm khắc hơn nữa, kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý hình sự, hành chính đối với các cá nhân vi phạm. Nếu là cán bộ, công chức, LLVT bên cạnh xử lý theo quy định của pháp luật cần gắn trách nhiệm, xem xét kỷ luật một cách thích đáng.

Có thể nói, hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan tổ chức hãy phối hợp chặt chẽ để từng bước đẩy lùi vấn nạn rượu, bia cũng như hậu quả của nó mang lại.

QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.