Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 01:25:41

Những “đầu bếp” đặc biệt ở khu cách ly phòng dịch

Ngày đăng: 05/04/2020

Những bữa cơm tại khu cách ly thuộc Bệnh xá Quân y 40 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên) luôn được người cách ly và đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ khen ngon, giàu dinh dưỡng. Sau mỗi bữa ăn, các suất cơm đều hết sạch bách. Tò mò về những đầu bếp ở đây, chúng tôi xuống nhà bếp thì càng bất ngờ hơn khi 100% đầu bếp là nam chiến sĩ, tuổi đời chỉ đôi mươi. Đặc biệt hơn, đây là những chiến sĩ được tăng cường từ Đại đội 20 Trinh sát, thường ngày đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện, giờ trong cuộc chiến chống “giặc dịch Covid-19” các em bất đắc dĩ trở thành đầu bếp, chuẩn bị từng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho người cách ly và lực lượng tham gia chống dịch nơi tuyến đầu.

Mỗi người một việc chuẩn bị cho bữa tối tại khu cách ly.

Hơn 16 giờ, tại khu bếp ăn Bệnh xá Quân y 40, anh em đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối. Người rán đậu, người thái thịt, người nhặt rau, người vo gạo… mỗi người một việc nhịp nhàng như một dây chuyền mặc định. Bữa cơm hôm nay có bắp cải luộc, cá sốt cà chua, đậu phụ rán, thịt lợn rang, lòng gà xào củ quả và canh rau cải, hoa quả tráng miệng. Bộ phận nhà bếp có 12 chiến sĩ đảm nhiệm nấu ăn cho gần 250 người, bao gồm cả người cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ tại đây, nên ai nấy đều hối hả để kịp giờ phát cơm tối (vào 18 giờ 30 hàng ngày). Lửa bếp cùng ánh nắng chiều làm những chiếc áo xanh hậu cần khoác ngoài quân phục cũng ướt mồ hôi. Bếp trưởng – Trung úy Nguyễn Quang Thành luôn chân luôn tay, chỉ đạo đồng chí A hỗ trợ nấu món này món kia, nhắc đồng chí B chia cơm cho đều, rồi xắn tay áo cùng đồng chí C rửa mấy chục cân rau cho kịp. Vừa làm, bếp trưởng Thành vừa chia sẻ: “Nấu cơm cho tập thể đông người rất nhiều việc mà nhân lực hạn chế nên phải phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng anh em. Mỗi người phụ trách 1 công đoạn hoặc 1 món ăn. Trong đó khâu tốn thời gian và nhân lực nhất lại là chia suất cơm, canh, thức ăn, đóng riêng từng hộp”.

Hàng ngày, các chiến sĩ ở đây đều dậy từ 5 giờ để chuẩn bị đồ ăn sáng chuyển đến khu cách ly, dọn dẹp xong phải bắt tay ngay vào nấu cơm trưa. Xong việc, được nghỉ khoảng 2 tiếng, đến 13 giờ 30 phút lại có mặt tại bếp làm cơm tối. Bếp trưởng Thành cho biết thêm: “Nhận nhiệm vụ này, anh em cũng có chút vất vả, nhưng đều là chiến sĩ đã quen gian khổ, căng mình huấn luyện nên “không nhằm nhò gì”. Chỉ có khó khăn, lúng túng vào những ngày đầu, anh em chưa quen việc nấu nướng, tôi phải đứng bếp, nấu hầu hết các món, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ cho từng anh em. Đến giờ thì ai nấy đều thạo việc và có thể đảm nhiệm nấu nhiều món ăn rồi”. Được biết ngoài anh Thành thì 11 chiến sĩ còn lại đều không thạo nấu nướng, đặc biệt là nấu cho tập thể. Nhiều người làm các công việc bếp còn gượng gạo. Nhưng sau một thời gian “nhập” bếp, ai nấy đều đã thuần thục, có thể tự mình nấu các món ăn trong thực đơn. Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát Nguyễn Bảo Trung (19 tuổi) được giao nhiệm vụ tại đây từ ngày 17/3, vui vẻ chia sẻ: “Trước đây em ở nhà, hầu hết bữa ăn gia đình là do mẹ nấu. Khi vào quân đội, thường ngày em tham gia các nội dung huấn luyện nên khi mới được phân công tăng cường xuống nhà bếp thì cảm thấy chưa quen, may là chưa làm đổ vỡ bát, đĩa hay nấu cháy, hỏng món ăn nào. Mặc dù không phải sở trường của mình nhưng được góp sức phòng, chống dịch thì nhiệm vụ nào em cũng sẵn sàng. Sau hơn 2 tuần làm việc ở đây, giờ em đã tự tin có thể đứng bếp làm 5 – 6 món chính”.

Các chiến sĩ chia thức ăn thành từng suất cho người cách ly, cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ.

Nấu ăn cho hợp khẩu vị người khác đã khó, để gần 250 người đều cảm thấy ngon miệng lại càng khó hơn. Những người cách ly và các y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ có ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng thì mới đủ sức khỏe để đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, hàng ngày, khi đẩy xe cơm trao cho bộ phận y tế phát trong khu vực cách ly, các “đầu bếp” đều nhờ y, bác sĩ hỏi thăm xem mọi người ăn có hợp không, có ai yêu cầu gì đặc biệt không… Tuy không thể chiều theo sở thích ăn uống của từng người nhưng anh em nhà bếp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của tất cả những người cách ly. Trong khu cách ly này có những em bé chưa ăn được cơm, mỗi bữa lại có thêm nồi cháo đủ chất; có người ăn kiêng, ăn chay được cung cấp suất ăn đặc biệt với những món chay cơ bản; có cả người nước ngoài không quen đồ ăn Việt Nam, đặc biệt là bữa sáng chỉ ăn bánh mì, trứng cũng được đáp ứng… Chị Trần Thị Cúc (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cùng chồng và con nhỏ từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, được cách ly tập trung tại Bệnh xá Quân y 40 từ ngày 29/3. Con chị mới hơn 16 tháng tuổi, vẫn ăn cháo là chủ yếu. Vì vậy trước khi vào cách ly, chị lo lắng không biết có đặt được cháo ăn hàng ngày và có đảm bảo được dinh dưỡng cho con không. Nhưng từ bữa ăn đầu sau khi nhận phòng, chị đã hoàn toàn yên tâm. Chị Cúc cho biết: “Bữa thì cháo thịt gà, thịt lợn, hôm thì cháo cá, cháo tim… và có cả rau xanh, rất thơm ngon, nên bữa nào con em cũng ăn hết gần 1 hộp cháo. Vợ chồng em ăn cũng thấy ngon miệng, dù đã no vẫn cố gắng ăn hết. Em thích nhất là món thịt bò xào rau cần vì bên Lào không mua được loại rau này, nay về cách ly được ăn đúng món mình thích cảm thấy rất vui”.

Từ ngày 1/4, chế độ ăn tại các khu cách ly nâng từ 57.000 đồng/người/ngày lên 80.000 đồng/người/ngày theo Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ. Vì thế, mỗi suất ăn tại khu cách ly Bệnh xá Quân y 40 lại càng chất lượng hơn. Để mọi người vừa ăn ngon miệng, vừa đảm bảo dinh dưỡng, nhà bếp xây dựng thực đơn hàng tuần, liên tục đổi món. Mỗi bữa 4 món mặn, 1 rau, 1 canh, 1 hoa quả, như: Thịt vịt xào măng, bò xào cần tây, thịt lợn xào giá, chân giò luộc, trứng cuộn, đậu phụ sốt… Những nam chiến sĩ chưa lập gia đình, không có kinh nghiệm bếp núc nay đều đã trở thành “đầu bếp”, tay dao tay thớt, đi chợ, cân đo đong đếm, chia từng suất cơm. Họ là những người lính sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ vì Tổ quốc, vì đồng bào, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

(Theo ĐBP)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.