Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 10:31:21

Những bước chân… vẫn không ngừng nghỉ

Ngày đăng: 24/06/2019

QK2 – Sinh ra ở bản Tả Kó Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, hơn 35 năm quân ngũ, Thượng tá Pờ Chí Lình, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mường Nhé luôn nhiệt tình, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ở những bản, làng Tây Bắc anh từng gắn bó, nơi nào đồng bào các dân tộc cũng coi anh như người con của bản.

Anh Lình cho biết, năm 2002 khi đang công tác ở Ban CHQS huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, anh được điều động về làm cán bộ chính trị ở Ban CHQS huyện Mường Nhé. Thời điểm đó chưa có đường giao thông nên Ban CHQS huyện tạm thời đóng ở xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ. Đến tháng 11 năm 2006, đường thông tuyến, Ban CHQS huyện được xây dựng tại xã Mường Nhé như bây giờ. Tuy là xây dựng, nhưng tất cả đều là tạm bợ với nhà tranh, vách nứa, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề.

Pờ Chí Lình (thứ 2, từ phải sang) chứng kiến các đơn vị ký kết thi đua trong Lễ ra quân huấn luyện đầu năm.

Trao đổi về kinh nghiệm dân vận, anh kể, chuyến công tác khó khăn nhất là lần tham gia tổ công tác vận động nhân dân ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé năm 2011. Với kinh nghiệm nhiều năm được sống và tiếp xúc với đồng bào người Mông, anh đã tham mưu cho tổ công tác chuẩn bị thật tốt về thiết bị truyền thanh, nội dung tuyên truyền trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Khi đến nơi đã có hàng nghìn người dựng lán trại để chờ ra mắt “Vương quốc Mông”, vòng trong vòng ngoài có đến vài chục người lập chốt gác, ngăn chặn không cho bất cứ ai vào.

Tình hình này buộc phải có cán bộ là người Mông, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào để thuận tiện khi tuyên truyền vận động. Sau khi bàn bạc thống nhất với trợ lí của mình các giải pháp tiếp cận, tuyên truyền, giải thích rằng việc “Vương quốc Mông” chỉ là nội dung xúi giục, kích động của những kẻ xấu. Đặc biệt, những ai bỏ nhà cửa, bỏ mùa vụ đi sẽ càng đói khổ, hãy quay về làm ăn trên bãi ngô, nương lúa của mình để ổn định cuộc sống như trước. Vốn là người con của bản, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, Pờ Chí Lình đã kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân. Khi đã thấy cái đúng, đã tin vào bộ đội, nhận rõ đó chính là Pờ Chí Lình người con sinh ra ở xã Sín Thầu, cả gần chục nghìn người không ai nói với ai cứ thế ra về. Có rất nhiều người nói lời cảm ơn anh, cảm ơn bộ đội. Câu chuyện xưng “Vương quốc Mông” đã lùi xa, nhưng những bước chân của Pờ Chí Lình thì vẫn không ngừng nghỉ.

 Đồng chí Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé khẳng định: Là đại biểu hội đồng nhân dân huyện, đồng chí Pờ Chí Lình luôn nắm chắc tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, có uy tín với nhân dân kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả trong giải quyết những bức xúc của dân. Anh thể hiện đúng phong cách “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay  làm”. Anh luôn chủ động cùng với tập thể Đảng ủy quân sự huyện thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tham gia đưa 75 hộ dân ở điểm nhóm Tá Phì Chà, xã Chung Chải xuống các bản theo Đề án 79 của Chính phủ đảm bảo an toàn.

Có thể nói, đồng bào biết trồng lúa nước, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, đó là thành quả của anh đã dày công “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động nhân dân một cách thật gần gũi, như chuyện đi nương, đi rẫy, chuyện ăn uống hàng ngày. Vì anh tin, những việc làm ấy sẽ giúp đồng bào có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, đủ đầy hơn. Anh thật xứng với tình cảm, niềm tin yêu của đồng bào đã dành cho anh “Người con của bản”.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.