Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 08:11:26

Nhớ lần tác nghiệp trong đại dịch Covid-19

Ngày đăng: 27/08/2021

QK2- Trong cuộc đời viết báo tôi có rất nhiều kỷ niệm, buồn vui lẫn lộn. Nhưng nhớ nhất là lần đi tác nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19 ở một số đơn vị biên phòng trên địa bàn Tây Bắc vào năm ngoái.

Chuyện là, vào khoảng cuối tháng 3 năm 2020, khi dịch Covid-19 đã và đang hoành hành tại một số tỉnh thành và có nguy cơ lan rộng. Thực hiện chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Quân khu 2, tôi đến một số đồn biên phòng giáp biên giới nắm tình hình và kết quả tuần tra đường mòn, lối mở, ngăn chặn công dân nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới về Việt Nam để viết bài tuyên truyền. Đi đến tỉnh nào cũng phải tạm dừng qua các chốt kiểm dịch, kê khai dịch tễ, đo thân nhiệt, phun khử khuẩn xe ô tô. Sau gần 7 giờ đồng hồ, “đánh vật” với những cung đường đèo dốc, đoàn cũng đến được Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang (đóng quân ở xã Nghĩa Thận, huyện Quản Bạ) lúc hơn 11 giờ đêm. Dù lãnh đạo, chỉ huy đồn đón từ cổng nhưng vẫn không quên khâu kiểm soát phòng dịch. Sau khi uống nước, nói chuyện với chỉ huy đơn vị, chúng tôi được đưa đến phòng nghỉ, là những chiếc giường sắt hai tầng của các chiến sĩ đã phải lên các chốt phòng dịch. Chỉ huy đồn dặn phóng viên nghỉ sớm để mai lên các điểm chốt.

Phóng viên Báo Quân khu tác nghiệp tại Đồn Biên phòng Si Ma Cai.

Hôm sau, vừa đến giờ báo thức, chỉ huy đồn đã đôn đốc anh em chúng tôi ăn sáng để hành quân. Thời tiết vẫn âm u, sương mù dày đặc. Nhưng trước tính cấp bách của dịch bệnh, đoàn phóng viên được chỉ huy đồn dẫn đến các điểm chốt. Đến nơi chúng tôi thực sự xúc động và cảm phục trước các chiến sĩ biên phòng, bởi những hy sinh, đóng góp của anh em khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện ăn, ở thiếu thốn trăm bề. Nhà là cái lán lợp tạm bằng bạt và cây que. Giường là những mảnh ván ghép, chiếc dài chiếc ngắn. Chỗ nấu nướng là 3 viên đá hộc kê thành bếp. Đoàn phóng viên nhanh chóng chụp ảnh, phỏng vấn, ghi chép làm tư liệu viết bài. Cả một buổi sáng, đoàn phóng viên cũng chỉ đến được 2 điểm chốt. Sự vất vả, gian truân và cả hiểm nguy rình rập của các chiến sĩ biên phòng đã gây xúc động mạnh trong mỗi trái tim của phóng viên chúng tôi.

Xong việc, chúng tôi tiếp tục hành trình từ Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ để tìm đến Đồn biên phòng Si Ma Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai. Sau hơn 10 tiếng chạy xe liên tục, đoàn cũng đến được đồn lúc 11 giờ đêm. Thiếu tá Nguyễn Kim Huệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai thông báo khái quát tình hình địa bàn quản lý với phóng viên. Theo đó, quản lý địa bàn 2 xã, 1 thị trấn với 20 thôn bản, có chiều dài hơn 9 cây số đường biên và rất nhiều đường mòn lối mở. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, nhằm ngặn chặm từ sớm, từ xa dịch bệnh Covid-19 để không xâm nhập vào đơn vị và địa bàn, đồn đã thành lập 7 điểm chốt chặn, 3 tổ công tác, gồm 42 đồng chí cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, canh gác, kiểm soát chặt chẽ công dân nhập cảnh trái phép vào địa bàn.

Sáng sớm tinh mơ, đoàn phải dậy để tiếp tục hành trình. Sau gần 2 giờ vượt qua những cung đường rất hẹp, lại nhiều đoạn cua tay áo, sát vực sâu hun hút mới đến điểm chốt mốc 170, thuộc thôn Dào Dần Sán, xã Nàm Sán, huyện Si Ma Cai. Trước mắt chúng tôi là một nhà bạt dựng tạm ngay cạnh đầu nguồn sông Chảy. Không điện, không nước sạch, sóng điện thoại thì chập chờn lúc có lúc không. Giường ngủ chỉ là những mảnh gỗ ván ghép tạm của 4 đồng chí. Gần một ngày chứng kiến cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng chúng tôi vô cùng xúc động và trân trọng các đồng đội mang quân hàm xanh. Chúng tôi nhanh chóng chụp ảnh, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe làm tư liệu. Sau đó chúng tôi được lệnh từ cấp trên trở về tòa soạn ngay, để chuẩn bị thực hiện “giãn cách xã hội”.

Về toà soạn, hình ảnh các chiến sĩ biên phòng vất vả ngày đêm vẫn in đậm trong tâm trí, khiến tôi phải thao thức viết bài. Sau chuyến đi thực tế ấy, tôi đã viết được 4 bài đăng trên Báo Quân khu 2 và một số báo, tạp chí, đó là các bài: Lá chắn xanh vùng biên ải (ghi chép); tăng gia trên chốt chống dịch; chăm lo đời sống tinh thần cho chiến sĩ biên phòng trên chốt phòng dịch và phóng sự ảnh.

Tuy chuyến công tác đường dài rất mệt mỏi, song chứng kiến sự giản khổ, vất vả của các chiến sĩ biên phòng như là động lực xua tan đi gian khó và còn giúp cho trái tim những người viết báo chúng tôi phải thao thức viết bài, kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương phòng dịch từ sớm, từ xa, góp phần vào kết quả đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.