Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 07:11:11

Nhớ anh Phan Đình Giót

Ngày đăng: 31/10/2018

QK2 – Chiều 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Ngồi trong công sự chờ lệnh xông lên san phẳng đồi Him Lam, Phan Đình Giót cùng đơn vị lòng sôi căm thù. Nghe thư của Hồ Chủ tịch, Giót nắm tay đồng chí Bí thư chi bộ: “Nhiệm vụ tiêu diệt đồi Him Lam vô cùng quan trọng. Tôi quyết chiến đấu tới cùng để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó”.

Năm giờ rưỡi chiều, trận chiến đấu bắt đầu. Các chiến sĩ đánh bộc phá lần lượt xông lên. Các cỡ súng của ta và của địch thi nhau nổ làm rung chuyển cả đất. Địch tập trung hỏa lực bắn như trút đạn xuống trận địa ta hòng cứu vãn tình thế. Các chiến sĩ trong đơn vị đồng chí Giót nối tiếp nhau lên mở hàng rào dây thép gai cho xung kích tiến vào. Đến lượt Giót xông lên, địch bắn dữ dội vào hai bên cạnh sườn cửa đột phá. Bất chấp cả súng, đạn địch, Giót chạy vụt lên giật quả bộc phá thứ chín, xé toang thêm ba thước rào.

Cứ điểm Him Lam khói lửa ngút trời, các lô cốt của địch thi nhau đổ sập trước những trận mưa đạn đại bác của ta. Phan Đình Giót đã làm xong nhiệm vụ và được lệnh lui về phía sau. Lúc này đồng chí đã bị một vết thương nặng ở đầu, nhưng kiên quyết xin ở lại giúp đồng đội. Cửa đột phá vẫn chưa mở xong, tình thế trở nên gay go. Các chiến sĩ đánh bộc phá đã bị thương gần hết, không còn ai có thể làm nhiệm vụ. Phan Đình Giót thét lên: “Phải trả thù!” rồi lao lên giật liền hai quả bộc lôi. Đoạn rào cuối cùng bị phá toang, mở một đường rộng cho các chiến sĩ xung kích tràn vào. Nhưng năm hỏa điểm của địch ở xung quanh vẫn bắn chặn đường tiến của quân ta. Đường liên lạc về tiểu đoàn bị đứt. Một số chiến sĩ xung kích bị thương. Từ dưới chân đồi, lệnh của ban chỉ huy truyền lên: “Tất cả các chiến sĩ đánh bộc phá còn lại phải giữ bằng được cửa đột phá, kiềm chế hỏa lực của địch cho xung kích tiến lên”.

Phan Đình Giót là người đầu tiên xung phong vượt qua lô cốt phía trước, bám chặt lô cốt số 2. Đồng chí bị đạn địch bắn trúng bả vai, máu chảy ướt đầm, nhưng tay vẫn nắm chắc khẩu tiểu liên và lựu đạn. Theo Phan Đình Giót, trung đội phó, tiểu đội trưởng và các chiến sĩ bộc phá bị thương cũng đều xông lên. Giót ném liên tiếp mấy quả lựu đạn vào lỗ châu mai ở bên phải lô cốt số 2. Các chiến sĩ xung kích vừa có thời cơ tiến lên lại bị hỏa điểm số 3 của địch bắn dữ dội cản lại. Giót mím môi ghé tiểu liên quạt hết băng này đến băng khác để yểm hộ cho đồng đội. Đồng chí lại bị thêm mấy vết thương nữa, máu chảy xuống ngực, xuống lưng đầm đìa. Đại bác địch bắt đầu rót đạn tới tấp vào chung quanh lô cốt của chúng. Tiếng nổ xé tai, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” của Đại đội phó Lộc trước lúc hy sinh làm cho Phan Đình Giót càng thêm hăng hái. Đang nghĩ cách tiến lên, đồng chí bị một khúc gỗ rơi trúng ngực. Địch vẫn bắn rát, các chiến sĩ xung kích vẫn ùn lại phía sau. Ở cửa mở chỉ còn một mình Phan Đình Giót. Mắt đồng chí không rời hỏa điểm tai ác này. Không thể để cho địch giết hại đồng chí của mình! Phan Đình Giót thu hết sức còn lại, lê người nhích dần đến lô cốt số 3 của địch. Tới sát lô cốt đồng chí ném và bắn nốt những quả lựu đạn, viên đạn còn lại rồi lấy thân mình lấp kín lỗ châu mai của địch đang nhả đạn. Hỏa điểm lợi hại nhất của địch bị tắc. Xung kích ta có thời cơ ào ào xông tới, đánh sâu vào đồn giặc, diệt hết hầm này đến ụ súng khác. Toàn bộ cứ điểm Him Lam bị đập tan.

Phan Đình Giót đã hy sinh, nhưng trận đấu của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Noi gương chiến đấu dũng cảm phi thường của Phan Đình Giót, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

MINH NGHĨA (Theo Điện Biên Phủ – khúc tráng ca vang mãi)  

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.