Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 01:29:06

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản

Ngày đăng: 21/12/2021

QK2 – Thời gian gần đây, nhiều người đã bị các đối tượng đóng giả là người của cơ quan công an, tòa án, điện lực, ngân hàng hoặc người thân, doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản của người dân, có cả quân nhân trong các đơn vị Quân đội. Để góp phần nhận diện các thủ đoạn này, Phóng viên Báo Quân khu có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Trung Dũng, Phó Chánh án Tòa án quân sự Quân khu về một số biểu hiện của loại tội phạm này để cán bộ, chiến sĩ nhận biết và phòng tránh.

Cán bộ Tòa án Quân sự Quân khu kiểm tra nhận thức pháp luật Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316). Ảnh chụp trước 27/4/2021

PV: Hiện nay các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để kết bạn, làm quen tạo sự tin tưởng. Sau một thời gian quen biết, các đối tượng thông báo đã gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không, yêu cầu người bị hại nộp tiền để nhận được quà. Đề nghị đ/c nói rõ về thủ đoạn này?

Thượng tá Lê Trung Dũng: Các đối tượng trước khi phạm tội thường sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của cơ quan điều tra, viện kiểm sát… Hoặc các đối tượng gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo về việc có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, hoặc thiếu nợ tiền ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án, bị xử phạt hành chính về giao thông… sau đó, các đối tượng nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án). Cũng có khi các đối tượng thông báo bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra thì sẽ bị khởi tố bị can, làm bị hại hoang mang, lo sợ để cung cấp thông tin cá nhân.

Tiếp theo, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng chỉ định hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP chuyển tiền với vỏ bọc xác minh, điều tra. Sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mặt khác, các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các sàn giao dịch nhị phân (Ugreengx, Wefinex, Fxtradingmarket…) rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia. Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian khiến nhiều người chơi tham gia dưới hình thức đầu tư.

PV: Để hoàn tất việc chiếm đoạt tiền trong tài khoản, nhóm lừa đảo sẽ gửi tin nhắn yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP trên trang web giả. Khi nạn nhân điền mã OTP này thì việc chiếm đoạt tiền của nhóm lừa đảo cũng đã xong. Trước tình trạng lừa đảo này, mỗi quân nhân cần đề phòng như thế nào?

Thượng tá Lê Trung Dũng: Qua thực tế điều tra, giải quyết các vụ án về lừa đảo tiền qua mạng, Tòa án Quân sự Quân khu 2 đề nghị mỗi cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn bất thường nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Theo đó, cần cảnh giác ở mức tối đa đối với cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ. Không nên vội vàng nghe điện thoại từ người lạ, với những thông tin nghe mập mờ, không chính xác cần bình tĩnh xác minh, tránh bị lợi dụng, lừa đảo tống tiền. Nếu nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan… yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn và đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định thì trong mọi trường hợp, cần tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ những cuộc gọi trên. Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, đặc biệt là thông tin số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân.

Nếu nhận được tin nhắn từ người thân, bạn bè trên mạng xã hội hỏi vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại…thì chúng ta cần cẩn trọng, nhanh chóng gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để xác nhận thông tin.

Nếu nhận được cuộc gọi bất thường, chúng ta cần cúp máy và trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) – Bộ Công an để được hướng dẫn kịp thời.

PV: Xin cảm ơn đ/c!

CAO XUÂN (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.