Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:04:27

Người đưa nghệ thuật quân sự lên bàn cờ

Ngày đăng: 15/08/2019

QK2 – Đầu thu tháng Tám, chúng tôi có dịp đến thăm Đại tá, Nhà văn Nguyễn Quý Hải, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội, người sáng tạo ra bộ môn Cờ Tư lệnh. Đây không chỉ là một bộ môn thể thao giải trí mà còn thể hiện lịch sử hào hùng, khí phách trí tuệ của một dân tộc trên chính từng quân cờ và từng nước đi.

Ông Nguyễn Quý Hải sinh năm 1932, người quê Hà Nội, nhập ngũ từ năm 17 tuổi, ông Hải sớm trưởng thành trong môi quân ngũ. Là chiến sĩ pháo binh, ông từng tham gia các chiến dịch: Cao – Bắc – Lạng năm 1949; Điện Biên Phủ năm 1954 và thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: Giảng viên Văn hóa và quân sự Trường sĩ quan pháo binh; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn pháo binh 38 bông lau trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị năm 1972; Giám đốc Nhà hát kịch quân đội… Là người quân nhân cách mạng, Đại tá Nguyễn Quý Hải rất say sưa nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Việt Nam, ông muốn đưa một phần tinh túy ấy vào môn Cờ Tư lệnh để tuyên truyền nghệ thuật giữ nước của cha ông ta đến thế hệ trẻ hiện nay.

Đại tá Nguyễn Qúy Hải, tác giả bộ môn Cờ Tư lệnh luôn miệt mài nghiên cứu tác phẩm của mình.

Theo Đại tá Nguyễn Quý Hải: “Cờ Tư lệnh mang nét đặc trưng và biểu tượng của thể thao quân sự Việt Nam, được chỉ huy bởi tư lệnh và các quân, binh chủng sát với thực tiễn chiến đấu của Quân đội ta. Do vậy, đòi hỏi các kỳ thủ thi đấu trên cương vị tư lệnh, chỉ huy chiến đấu phải giỏi cả về quân sự, chính trị. Đây là một trò chơi giúp cho thế hệ mai sau có thể hiểu được lịch sử huy hoàng chống giặc ngoại xâm của cha ông ta”.

Ông Nguyễn Quý Hải tâm sự: “Tôi bắt đầu nghiên cứu luật chơi của cờ tư lệnh năm 2009, lúc đó chưa có được bộ cờ như bây giờ, tôi tìm nhặt các nắp chai, tải các hình máy bay, xe tăng… từ trên mạng về rồi in ra để dán vào từng quân cờ. Từ đó dần dần tôi đã hình thành và bổ sung được luật chơi cho bộ môn này”.

Theo ông Hải, bàn cờ có 11 đường dọc, 12 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 132 điểm. Có một khoảng trống ước lệ, đó là sông (màu xanh nhạt). Sông nằm ngang, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng nhau, gọi là chiến tuyến. Có hai dãy ô vuông chạy dọc suốt hai chiến tuyến, được quy ước đó là trên biển để có lực lượng hải quân tham chiến. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu chơi có đủ 38 quân, số quân đó được chia đều cho hai bên: 19 quân đỏ, 19 quân xanh; bao gồm 11 loại quân, có biểu tượng tượng trưng cho các quân binh chủng hiện đại như bộ binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến…, đặc biệt có cả đội dân quân tóc dài. Quân cờ của bên xanh hoặc bên đỏ, chỉ khác nhau về màu sắc, còn ký hiệu, cách đi và cách "ăn" quân đối phương hoàn toàn giống nhau. Trong số 19 quân, có hai quân tượng trưng cho sở chỉ huy, chỉ đứng tại chỗ, không được đi và "ăn" quân của đối phương”.

Kể từ khi ra đời cho đến nay, bộ môn Cờ Tư lệnh đã được đông đảo người Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến. “Hằng năm tôi đều phối hợp với các nhà trường trong quân đội và trường học ở Hà Nội để tổ chức các Hội thi Cờ Tư lệnh, được các cháu học sinh, học viên, sinh viên đón nhận và thi đấu nhiệt tình. Có rất nhiều kỳ thủ cũng như những người đam mê cờ trên thế giới ở nhiều độ tuổi đã đến Việt Nam để tham dự. Luật chơi Cờ Tư lệnh đã được dịch ra bốn thứ tiếng trên thế giới. Sản phẩm Cờ Tư lệnh có bán tại nhiều quốc gia như: Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Croatia, Slovenia… Điểm nhấn của Cờ Tư lệnh để người chơi luôn cẩn trọng, chú ý trong từng nước đi của mình”,  ông Hải chia sẻ.

Cờ Tư lệnh đã được cấp phép và bản quyền sở hữu trí tuệ, nhiều đơn vị trong quân đội, học sinh, sinh viên trong các nhà trường đã và đang chơi cờ Tư lệnh với một niềm tự hào về đất nước và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Năm 2016, Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu) đã phối hợp với Tổng cục Thể dục – Thể thao mở lớp đào tạo huấn luyện viên Cờ Tư lệnh cho đội ngũ cán bộ phụ trách huấn luyện thể dục – thể thao các đơn vị trong toàn quân; Liên đoàn Cờ Việt Nam đã mở lớp tập huấn. Cùng với đó là nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, học viện, nhà trường, các đơn vị trong quân đội đã được Đại tá Nguyễn Quý Hải trực tiếp giảng dạy, phổ biến cách chơi Cờ Tư lệnh.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.