Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 12:08:59

Ngọt ngào hương trà Shan tuyết

Ngày đăng: 07/11/2022

QK2 – Lên Tây Bắc trong những ngày cuối thu nắng vàng, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi các cung đường đèo quanh co uốn lượn tựa như dải lụa mềm bao quanh lưng trừng núi cùng những vạt đồi vàng rực bởi loài hoa dã quỳ. Thấp thoáng, lưa thưa là những túp nhà sàn mái lá đơn sơ của người Mông nằm chênh vênh bên sườn núi cao dựng đứng và tiếng kèn lá gọi bạn vang vọng trên nương; tiếng trẻ con hồn nhiên nô đùa dưới những tán cây bên đường… Mà chúng ta còn lưu luyến bởi hương vị đặc sắc của các sản phẩm trà Tây Bắc. Tại những nơi dừng nghỉ bên quán nước ven đường, hay trong các hội nghị, hội chợ, hội thảo… ở các cơ quan, đơn vị, địa phương…, du khách sẽ được thưởng thức hương vị trà Shan tuyết thượng hạng nổi tiếng độc nhất vô nhị – Sản phẩm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn (Yên Bái) mời khách thưởng trà Shan tuyết cổ thụ tại gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương.

 

Có thể nói, vùng Tây Bắc là một trong những cái nôi sản sinh ra những cây trà của thế giới, được phát hiện từ hàng nghìn năm về trước. Đây được coi là thứ lộc của đất, trời ban cho người dân nơi đây. Qua bao đời thuần hóa, gìn giữ và bảo tồn tới nay, những cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi sống trên những khu vực rừng núi hiểm trở có độ cao trung bình từ 1.400m tới 2.800m so với mực nước biển với khí hậu lạnh giá quanh năm, như: Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La)… đã và đang tạo nên giá trị đặc sắc riêng có và nổi tiếng nhất của vùng Tây Bắc. Chính bởi vậy mà những người dân nơi đây luôn rất tự hào và tự tin mỗi khi nói về những sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ của địa phương mình.

Mới đây, trong một chuyến công tác lên Tây Bắc, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây, điều ngạc nhiên không chỉ là mọi người đều “bắt đầu câu chuyện” với khách bằng ấm trà Shan tuyết, mà đó còn là sự am hiểu rất tường tận về xuất xứ của các sản phẩm trà Shan tuyết vùng Tây Bắc. Anh Giàng Văn Trại ở bản Trung Chinh, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) hồ hởi giới thiệu: Chữ “Shan” trong phiên âm Hán Việt là “Sơn” (có nghĩa là núi). Shan tuyết là núi tuyết. Trà Shan tuyết thuộc dòng trà cổ thụ được mọc trên khu vực núi cao suốt ngày bị bao phủ trong sương tuyết. Trà có búp to màu trắng xám, dưới lá trà có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng như tuyết để bảo vệ, chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện các địa phương trong vùng Tây Bắc còn gìn giữ được số lượng lớn trà Shan tuyết cổ đó là Yên Bái, Hà Giang, Sơn La…, có tổng diện tích lên tới hàng chục nghìn ha,với sản lượng thu hoạch bình quân hàng trăm tấn/năm. Trong đó, chỉ riêng xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, sản lượng thu hoạch trà Shan tuyết cổ luôn đạt trên 100 tấn mỗi năm. Theo anh Đào Đức Hiếu, nghệ nhân trà của huyện Văn Chấn, Chủ nhiệm HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết: Trà Shan tuyết cổ Suối Giàng hiện có 4 dòng sản phẩm, gồm: Bạch trà (có sản lượng 0,5 tấn/năm), Diệp trà (50 tấn/năm), Hoàng trà (25 tấn/năm) và Hồng trà (25 tấn/năm). Trong đó, Bạch trà là loại trà thượng hạng bậc nhất trong tứ đại danh trà được tạo nên bởi sự tinh túy từ những búp chè cổ thụ hằng trăm năm tuổi trên vùng núi cao Suối Giàng (Yên Bái). Sau khi các búp chè được thu hái vào lúc ban mai, các nghệ nhân sẽ thực hiện phương pháp sao thủ công trong chảo gang truyền thống bằng các kỹ thuật tỉ mỉ bí truyền để chế biến từ nhiều ki-lô-gam chè tươi cô lại thành Bạch trà. Còn các sản phẩm Diệp trà, Hoàng trà và Hồng trà thì các búp chè cũng được hái, sao hoàn toàn thủ công bởi những nghệ nhân làm trà giỏi nhất, tạo nên những màu sắc và hương vị thơm ngon đặc biệt, không gì sánh bằng. Các loại danh trà trên có giá bán từ 3,5 triệu đồng đến 18 triệu đồng/1kg tùy từng loại sản phẩm. Bởi vậy, cây trà Shan tuyết cổ thụ đã trở thành nguồn sống và niềm tự hào của người dân miền núi suốt bao đời nay; đồng thời đó cũng là những sản phẩm được các giới thưởng trà tìm kiếm và các du khách gần xa tìm mua làm quà biếu tặng người thân, bạn bè.

Cũng theo nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu, để giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên của của trà, bên cạnh việc bảo đảm những yêu cầu khắt khe, tỉ mỉ trong từng quy trình sản xuất thu hái, sơ chế, chế biến, phân loại, đóng gói…, thì người dùng cần phải có bí kíp thưởng trà đúng cách theo nguyên tắc “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Nghĩa là người thưởng trà phải dùng nguồn nước tinh khiết để pha trà và phải có phương pháp, dụng cụ pha trà đúng cách để có thể thư thái cùng với bạn hữu tâm giao thưởng trà, thấu hiểu được vị tinh tế của trà; khiến cho mỗi chén trà không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của đồ uống mà mang theo trong đó là cả dư vị của thời gian, càng uống càng ngấm, càng đắm say trong cái hương, cái hồn tinh túy của trời đất…

Do tính kết tụ hàng trăm năm và điều kiện sống khắc nghiệt quanh năm đắm mình trong khí hậu giá lạnh, vây quanh bởi sương mờ; cộng thêm việc canh tác và chế biến tỉ mỉ, kỳ công, bảo đảm tiêu chuẩn “4 không” (Không chất hóa học, không chất bảo quản, không hương liệu, không phẩm màu), bởi vậy Trà Shan tuyết cổ thụ vừa mang đầy đủ tinh túy của trà, lại vừa vượt trội hơn rất nhiều so với các loại trà mạn bình thường khác từ hương vị cho đến những công dụng. Đây không chỉ đơn thuần là một loại thức uống mà còn được xem là bài thuốc tuyệt vời chống được nhiều bệnh tật. Có thể nói, tất cả những thứ tinh hoa của đất trời Tây Bắc hội tụ trong từng cánh trà Shan tuyết tạo nên một hương vị trà cổ thụ độc nhất và riêng có của vùng Tây Bắc.

Bài, ảnh: HẢI DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.