Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 01:45:26

Ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Ngày đăng: 26/07/2019

QK2 – Vài năm về trước, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), vùng đất chỉ nhắc đến cái tên đã khiến những ai từng đến đây cũng thấy ái ngại bởi sự khó khăn, gồ ghề của con đường lên đây. Cách trung tâm huyện hơn 30 km, Mường Giôn dường như tách biệt với các địa phương khác, kéo theo đời sống của nhân dân khó khăn vất vả, nhiều vùng đất canh tác bị bỏ hoang… Nhưng Mường Giôn giờ đã thay da đổi thịt, con đường được trải nhựa từ huyện đến tận trung tâm xã, đời sống của nhân dân cũng khấm khá hơn trước. Để có được kết quả đó, có phần phải nhắc đến công lao đóng góp của Cựu chiến binh (CCB) Lò Minh Phiệng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Giôn.

Cựu chiến binh Lò Minh Phiệng (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm phát triển trang trại kết hợp với trồng rừng phòng hộ.

Ông Lò Minh Phiệng sinh năm 1963 là người con của dân tộc Thái, sinh ra và trưởng thành trong một gia đình nghèo, đông con trên chính mảnh đất quê hương Mường Giôn. Năm 1983, theo tiếng gọi của quê hương, ông viết đơn xin nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 82, Quân khu 2. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, ông Phiệng được chuyển về đơn vị pháo binh 484 thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trên nước bạn Lào. Những năm tháng được học tập, rèn luyện trong môi trường quân ngũ, ông Lò Minh Phiệng đã tôi luyện cho bản thân những phẩm chất tốt đẹp, hình ảnh cao quý của “Bộ đội cụ Hồ”, đi dân nhớ, ở dân thương, được đồng chí, đồng đội yêu quý, chỉ huy tin tưởng giao trọng trách.

Đến năm 1987, ông Lò Minh Phiệng được phục viên về quê nhà, hưởng chế độ thương binh do thương tật trong quá trình phục vụ chiến đấu. Là đảng viên từ quân ngũ trở về, với uy tín của mình trước nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã giao trọng trách cho ông làm Phó trưởng công an xã, sau đó làm trưởng công an xã, Phó Chủ tịch UBND, sau đó là Chủ tịch UBND xã và hiện nay là Bí thư Đảng ủy xã Mường Giôn.  

Điều làm ông day dứt bấy lâu nay chính là làm gì để thoát được đói nghèo. Thấy bố mẹ già yếu, đời sống anh em, bà con trong bản, trong xã đều chung cảnh nghèo khó, ông luôn tự đặt ra câu hỏi làm thế nào để gia đình, làng xã thoát được cái nghèo đã đeo bám đồng bào Mường Giôn suốt bấy nhiêu năm qua. Điều đó đã thôi thúc ông vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Dẫn chúng tôi thăm quan mô hình trang trại gia súc của gia đình, ông Phiệng giới thiệu: Hiện nay, gia đình ông có hai trang trại, trong đó hơn 200 con trâu, bò; 120 con dê; 10 ha rừng trồng do gia đình xin lại từ đất bỏ hoang của cộng đồng bản để trồng cây phòng hộ.

Thấy cán bộ Phiệng xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, trồng trọt hiệu quả và giàu lên, có của ăn của để, nhiều bà con trong bản, xã lần lượt làm theo và từ đó phong trào chăn nuôi đại gia súc ở Mường Giôn phát triển rầm rộ. Đến nay, Mường Giôn đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống của đồng bào người Thái, người Mông ngày càng được nâng cao, xuất hiện nhiều ngôi nhà xây khang trang hơn, nhiều nhà sắm ti vi, tủ lạnh, đồ dùng thiết yếu cho gia đình.

Ông Lò Văn Nhất, bản Bo, xã Mường Giôn tâm sự với chúng tôi: “Trước đây gia đình tôi hoàn cảnh rất khó khăn, không đủ để nuôi con cái ăn học. Từ khi tìm hiểu và học tập theo mô hình của cán bộ Phiệng, gia đình tôi đã khấm khá hơn trước, hiện nay gia đình tôi có 17 con bò và 9 con trâu. Con cái được học hành, gia đình có của ăn của để”.

Được UBND tỉnh Sơn La và huyện Quỳnh Nhai khuyến khích phát triển kinh tế địa phương, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, năm 2014, ông Lò Minh Phiệng đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng rừng phòng hộ. Ban đầu có 20 hộ, đến nay đã có 25 hộ gia đình tham gia. Theo ông Phiệng: “Hiện toàn xã có 1.000 ha rừng thông với đường kính trung bình 30cm trở lên. Doanh nghiệp đề nghị trả 90.000 đồng/cây để thu hoạch nhựa thông; tiền khai thác nhựa, mỗi ha rừng thông cũng được trên 250 triệu đồng. Năm 2015, HTX xã Mường Giôn tự bỏ vốn 3,3 tỷ đồng trồng thêm 600 ha rừng cây xoan đào, cây thông mã vĩ. Năm 2017 đến nay đã phủ xanh thêm 1.000 ha rừng kinh tế, chủ yếu cây thông, sưa đỏ và một số loại cây ăn quả… Bình quân mỗi ngày, HTX có 200 nhân công để trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả.

Khi được hỏi về những khó khăn trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế, ông Lò Minh Phiệng chia sẻ: “Cái khó khăn lớn nhất là vấn đề tuyên truyền cho nhân dân hiểu được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng rừng phòng hộ. Nhiều hộ dân vẫn chưa nhận thức được chủ trương của xã, giao đất giao rừng cho nhân dân nhưng họ không biết bảo vệ, chăm sóc, bỏ hoang dẫn đến lãng phí đất đai. Do vậy tôi phải vận động, thuyết phục họ bằng cách đến từng hộ dân để giải thích, đi đầu trong xây dựng mô hình, trực tiếp làm để dân thấy, hiểu được và làm theo”.

Ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn cho biết: “Trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Lò Minh Phiệng luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện nghị quyết, đặc biệt là về phát triển kinh tế gia đình và địa phương cũng như tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, trồng rừng. Đồng chí Phiệng cũng là một CCB làm kinh tế giỏi của xã, huyện, tạo công ăn việc làm ổn định cho CCB khác trong toàn địa bàn xã”.

Mường Giôn là xã vùng 2 của huyện Quỳnh Nhai. Những năm qua, Mường Giôn đã phát huy tốt lợi thế, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân thông qua các chương trình, dự án, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ổn định đời sống nhân dân. Tính đến nay, xã Mường Giôn đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33,9%. Trong cộng đồng hiện nay rất cần những con người dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì dân như Bí thư Đảng ủy xã Mường Giôn. Và hơn hết CCB Lò Minh Phiệng đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, sáng mãi phẩm chất tốt đẹp, luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài; ảnh: ĐỨC QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.