Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:26:19

Nghĩa trang liệt sĩ, địa chỉ giáo dục truyền thống

Ngày đăng: 24/07/2018

QK2 – Chiến tranh đã lùi xa nhưng những chiến công oanh liệt cùng sự hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim thế hệ hôm nay và mai sau. Một trong những thiết chế tạc ghi chiến công và sự hy sinh đó là hệ thống nghĩa trang liệt sĩ.  

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó Chính ủy Quân khu cùng cán bộ, chiến sĩ thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt Tông Khao (Điện Biên).

Trong số hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ, đài tưởng niệm liệt sĩ ở các địa phương trên địa bàn Quân khu, có hai khu vực có nghĩa trang cùng cụm thiết chế văn hóa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ mà mỗi người dân sở tại, mỗi du khách đến đó đều không thể bỏ qua, đó là mảnh đất Điện Biên và Hà Giang lịch sử.

Điện Biên Phủ, nơi ghi danh chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Địa danh lịch sử ấy là nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Trong số 5 nghĩa trang liệt sĩ do tỉnh Điện Biên quản lý với hơn 6.000 phần mộ,   có 3 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia là: A1, Him Lam và Độc Lập là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; hai nghĩa trang quy mô cấp tỉnh là Nghĩa trang Tông Khao (Nghĩa trang Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào) và Nghĩa trang Thanh niên xung phong hy sinh trong xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Nghĩa trang liệt sĩ A1 được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam, nơi đây có 644 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có bốn ngôi mộ lớn có bia khắc đủ họ tên là của các anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can.

Nghĩa trang Độc Lập nằm đối diện đồi Độc Lập thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, có 152 lô với hơn 2.400 phần mộ, được xây dựng từ năm 1957-1958, được nâng cấp năm 1996.

Nghĩa trang Him Lam nằm ở phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, được quy tập và xây dựng từ 1957, nâng cấp 1995. Hiện có gần 900 phần mộ liệt sĩ được quy tập.

Nghĩa trang Tông Khao nằm ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên; được xây dựng năm 1989, đến nay đã quy tập được hơn 2.000 liệt sĩ. Các liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại Lào được Đội quy tụ Mộ Liệt sĩ Quân khu tìm kiếm, quy tập hồi hương những năm gần đây, chưa rõ danh tính, quê quán được an táng tại đây.

Nghĩa trang Thanh niên xung phong ở phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.
Cùng với những thiết chế lịch sử văn hóa như Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Hầm Đờ-Cát, Sở chỉ huy Mường Phăng, hệ thống bảo tàng… trở thành địa chỉ du lịch và giáo dục truyền thống có ý nghĩa.

Trên mảnh đất Hà Giang, ngược đường 2A, qua thị trấn Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 18 km là Nghĩa trang Vị Xuyên. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1991, hiện là nơi yên nghỉ của hơn 1.700 liệt sĩ. Nghĩa trang đang tiếp tục được mở rộng để quy tập các liệt sĩ đã hy sinh, hiện còn nằm rải rác trên các cánh rừng biên giới. Cùng với các thiết chế lịch sử của hành trình “Thăm lại chiến trường xưa” qua Nghĩa trang Vị Xuyên còn có bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ xã Lao Chải, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Thanh Thủy, hang Dơi, hang Làng Lò, Đài tưởng niệm 468…

Nghĩa trang liệt sĩ là công trình đền ơn đáp nghĩa thể hiện tấm lòng tri ân của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta đối với những người con yêu quý của dân tộc, đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và bảo vệ đất nước.

Nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nơi yên nghỉ của những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc mà còn là địa chỉ văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động du lịch về nguồn, thắp nến tri ân, giáo dục chính trị, truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mỗi dịp lễ tết, ngày kỷ niệm chiến thắng, mỗi khi có sự kiện trọng đại, các cấp, các ngành, đơn vị Quân đội đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại các nghĩa trang; tổ chức dọn dẹp về sinh, tu sửa, chỉnh trang, trồng hoa tạo cảnh quan cho nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương tưởng nhớ, tri ân anh hùng liệt sĩ bằng tấm lòng thành kính.

Đến viếng nghĩa trang liệt sĩ giúp mỗi người thêm một lần ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước, xác định trách nhiệm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay.

TƯỜNG VÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.