Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 12:34:14

Ngày Quốc khánh nhớ về bản Tuyên ngôn độc lập

Ngày đăng: 02/09/2018

QK2 – Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố đúng ngày này 73 năm trước tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến, mở ra một kỷ nguyên độc lập – tự do cho dân tộc.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: TƯ LIỆU

Sau khi rời căn cứ địa cách mạng Việt Bắc trở về Hà Nội cùng Trung ương Đảng, ngày 26-8-1945, tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. 

Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ không chỉ là một văn kiện lịch sử của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là áng văn chính luận mẫu mực, tiêu biểu cho phong cách của Người.

Nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập.

Sức thuyết phục của văn chính luận chủ yếu là cách lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép và những dẫn chứng, bằng chứng không thể nào chối cãi được. Trong lịch sử dân tộc ta, các tác phẩm “Nam quốc Sơn Hà” và “Bình Ngô đại cáo” từng là những áng văn chính luận xuất sắc.

 “Nam Quốc sơn hà”, áng thơ cổ được Lý Thường Kiệt sử dụng để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân ta chống quân xâm lược Tống bên dòng sông Như Nguyệt năm 1076. Đây được xem là bài thơ cổ nhất, hay nhất và có tính thời đại, là “bản Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của lịch sử dân tộc.

Còn tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi thế kỷ 15 được xem là “bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai”, là một tác phẩm văn học có chức năng hành chính quan trọng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính chân thực lịch sử với chất sử thi anh hùng ca qua lối văn biền ngẫu mẫu mực. Bình Ngô đại cáo bố cáo cho toàn thế giới về giang sơn, xã tắc Việt Nam độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của giặc Minh xâm lược.

Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày 2-9-1945.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản văn xuôi chính luận mẫu mực bởi đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe của văn chính luận và có mục đích rõ rệt; nhằm tuyên bố trước đồng bào và toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình thế giới về quyền độc lập – tự do của dân tộc; bác bỏ những luận điệu có tính xuyên tạc của thực dân và bè lũ tay sai.

Tuyên ngôn độc lập chính là lời tuyên bố hùng hồn của Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ quyết tâm giữ vững quyền độc lập, tự do ấy”.

Để nâng cao sức thuyết phục, Bác đã mở đầu tác phẩm bằng trích dẫn hai Bản Tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn ngôn độc lập nhân quyền và dân quyền của Pháp, đề cập đến quyền độc lập, tự do của con người, suy rộng ra là quyền độc lập tự do của một dân tộc, từ đó lên án những hành động sai trái, chà đạp lên độc lập, nhân quyền của đế quốc, thực dân.

Bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ vẻn vẹn có 49 câu, với hơn một nghìn chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Quan điểm độc đáo của Bác trong Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện ở chỗ, Người đã gắn quyền con người vào quyền của dân tộc, và như vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai cũng là cuộc đấu tranh vì nhân quyền – quyền độc lập tự do của mỗi dân tộc.

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Người cũng nêu quan điểm, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” để từ đó xác định mục tiêu của cách mạng.

Qua áng văn chính luận “Tuyên ngôn độc lập”, những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vì quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng, đưa đất nước Việt Nam phát triển.                                                           

TƯỜNG VÂN (Tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.