Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:55:31

Ngày Gia đình Việt Nam (28-6): Thiêng liêng giá trị gia đình

Ngày đăng: 28/06/2022

QK2 – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vị trí, vai trò của gia đình. Theo quan điểm của Người, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Gia đình là hạt nhân của xã hội. Thực hiện quan điểm đó, trong suốt cuộc đời hoạt động, Người đã luôn quan tâm dìu dắt, giáo dục về vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình.

Thành tích học tập của con cái là thành quả, là niềm hạnh phúc mỗi gia đình.

Ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam.

Gia đình được hình thành và phát triển với nhiều chuẩn mực truyền thống. Trong đó trước hết là nơi bảo tồn và phát triển nòi giống; nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người, bồi đắp lòng yêu nước, yêu quê hương; yêu thương đùm bọc gắn bó, san sẻ trách nhiệm giữa các thành viên; nơi thể hiện lòng thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học; rèn luyện đức tính cần cù trong lao động sản xuất, vươt khó vươn lên; dũng cảm, kiên cường bất khuất, dám xả thân vì nước, sẵn sàng cấu kết cộng đồng xã hội để xây dựng và bảo vệ đất nước vượt qua thiên tai, giặc giã; nơi nuôi dưỡng gia trị tâm hồn, cốt cách văn hóa của các vùng quê tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc… Đó là những giá trị cốt lõi được hình thành và phát huy, trở thành giá trị trường tồn trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc.

Trong xã hội hiện đại, gia đình truyền thống Việt Nam đang có nhiều biến đổi; nhiều gia đình không thực sự còn là “tổ ấm”, là bến đỗ bình yên. Các thành viên trong gia đình bị cuốn vào vòng xoáy của công việc; sợi dây gắn kết lỏng lẻo, khó khăn trong tìm tiếng nói chung. Khoảng cách giữa các thế hệ cụ kỵ, ông bà, cha mẹ và con cái, cháu chắt  ngày càng rộng hơn.

Bếp lửa gia đình là nơi gửi gắm, giữ “lửa” yêu thương, nhưng trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại, các thành viên trong gia đình dù sống xa nhau nửa vòng trái đất vẫn nắm bắt, trao đổi thông tin dễ dàng và thuận tiện của nhau, vẫn gần gũi, thân thuộc. Thế nhưng việc lạm dụng quá mức các thiết bị thông minh khiến các thành viên xa nhau hơn; thay vì quây quần bên nhau sau mỗi ngày làm việc, qua đó giao tiếp, chuyện trò, tâm sự, chia sẻ trực tiếp để hiểu và đồng cảm với nhau thì lại dành nhiều thời gian, lạm dụng xem phim, lướt facebook, chơi game… Đấy là chưa kể lối sống trong xã hội hiện đại dễ dàng khiến các thành viên sa ngã.

Với các gia đình quân nhân, tỷ lệ hợp lý hóa không nhiều, nhiều cán bộ, sỹ quan sống xa gia đình, phần lớn người chồng xa vợ, xa con cái, không có điều kiện để trực tiếp chăm sóc cha mẹ, hỗ trợ cùng vợ nuôi dạy con cái. Mỗi gia đình quân nhân người tìm “tiếng nói chung”, linh hoạt, hợp lý để gắn kết gia đình, tạo điều kiện chia sẻ vai trò các thành viên hợp lý để “tròn vai hai gánh”.

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 với chủ đề “Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc”. Đây là dịp tiếp tục bồi đắp, nhân rộng và phát huy giá trị thiêng liêng của gia đình, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.