Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 12:15:20

Ngành tuyên giáo trước yêu cầu nắm bắt cái mới, sáng tạo cái mới…

Ngày đăng: 31/07/2020

LTS: 90 năm trước, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương) xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8” với nội dung lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi công, nông và các tầng lớp nhân dân đoàn kết chống thực dân xâm lược, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ Liên Xô, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa… Tài liệu này cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền, cổ động khác đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 1-8 trở thành Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng.

Nhân dịp này, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dành cho Báo Quân đội nhân dân cuộc trò chuyện cởi mở và thân mật về lịch sử truyền thống và những vấn đề đặt ra cho công tác tuyên giáo (CTTG) hiện nay. 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng. Đồng chí suy nghĩ gì về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Bác Hồ dạy: “Lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”. Lời dạy đó của Người nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc lãnh đạo tư tưởng và CTTG. Không phải đến thời đại Hồ Chí Minh chúng ta mới hiểu và coi trọng công tác tư tưởng (CTTT). Từ thuở dựng nước rồi giữ nước, cha ông ta đã làm tư tưởng rất giỏi, nên mới xây dựng nên một dân tộc văn hiến như ngày nay. Hội nghị Diên Hồng, rồi trai tráng xăm lên tay hai chữ "Sát Thát"… chính là những hoạt động khéo léo tuyên truyền, cổ động toàn dân đoàn kết đánh giặc của nhà Trần. Hay những tác phẩm “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, ''Hịch tướng sĩ'' của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo'' của Nguyễn Trãi, vừa là những áng thiên cổ hùng văn, vừa là cách thức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân rất sâu sắc và hiệu quả.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, ngày 1-8-1930 là Ngày truyền thống của ngành tuyên giáo, nhưng CTTG đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt coi trọng và tiến hành rất khoa học, linh hoạt trong suốt quá trình vận động thành lập Đảng. Các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng ta đều rất coi trọng và trực tiếp chỉ đạo công tác này. Đồng chí Trường Chinh nói: “Toàn Đảng phải làm công tác tư tưởng, toàn Đảng phải làm công tác tuyên truyền. Vì công tác chính trị, CTTT là linh hồn của mọi công tác, không những nó nhằm phục vụ những nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà còn nhằm cải tiến bộ mặt tinh thần của toàn thể xã hội của hàng chục triệu con người”. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Từ trước tới nay chúng ta thường nói là trong mọi việc thì tư tưởng đi đầu. Do đó, chắc chắn chúng ta đã thấy sự quan trọng của CTTT. Trong Đảng ta không có ngành nào già bằng ngành tuyên huấn, từ khi có Đảng đã có nó rồi. Tuyên huấn là ngành già nhất, nên có nhiều kinh nghiệm nhất so với các ngành công tác khác của Đảng".

Đồng chí Võ Văn Thưởng.

Thực tiễn 90 năm qua đã chứng tỏ rằng, CTTG là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta. Đây là công tác trọng yếu để xây dựng nền tảng chính trị tinh thần của chế độ; khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của CTTG, quả thực hôm nay, tôi không muốn hỏi về thành tựu của ngành tuyên giáo trong suốt 90 năm qua. Bởi vì, trong mọi thành tựu lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của ngành tuyên giáo. Điều tôi muốn hỏi là những điểm chưa thành công trong công tác lãnh đạo của Đảng suốt 90 năm qua, trách nhiệm của ngành tuyên giáo là gì?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Câu hỏi của đồng chí rất thẳng thắn. Từ khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta nêu quan điểm là “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Cương lĩnh 2011 của Đảng ta cũng nêu lên bài học kinh nghiệm, đó là “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Từ bài học đó, có thể nhận thấy, chỉ khi nào Đảng có sự lãnh đạo đúng đắn thì mới thể hiện đúng vai trò là nhân tố quyết định thắng lợi. Khi sự lãnh đạo của Đảng chưa đúng, vi phạm quy luật khách quan, hay nói cách khác là mắc bệnh chủ quan, duy ý chí; chưa đánh giá đúng tình hình, chưa nói rõ thực trạng… thì là khuyết điểm mà trước hết là khuyết điểm của CTTG.

Nhìn lại lịch sử 90 năm rất vẻ vang và đầy tự hào của ngành tuyên giáo, thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng Đảng ta cũng luôn thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của CTTG. Như dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đề cập: CTTT còn có mặt hạn chế, tính thuyết phục chưa cao; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, thiếu sắc bén, tính chiến đấu còn hạn chế. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề khó, mới phát sinh chưa được làm sáng tỏ. Tính tiền phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút…

Trong thời gian qua, ngành tuyên giáo đã tích cực đổi mới công tác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đồng thời cũng là để khắc phục những hạn chế nêu trên.

PV: Vừa rồi, trong ấn phẩm “Thắp lửa trái tim” của Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành, tôi có đọc bài viết “Những dấu ấn đổi mới của ngành tuyên giáo trong nhiệm kỳ Đại hội XII” của đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Quả thực, đọc bài viết mới hình dung ra được khối lượng công việc khổng lồ mà hệ thống tuyên giáo đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là đã tham mưu nhiều vấn đề mới, khó, quan trọng, có tính then chốt, làm cơ sở để Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề thực tiễn. Cá nhân tôi thì rất quan tâm đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi biên độ của sự nghiệp đổi mới, dẫu có rộng mở đến đâu thì chúng ta vẫn phải chú ý đến mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đề ra, đó là “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đồng chí có thể khái quát ngắn gọn về công tác này trong thời gian qua?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN và sự nghiệp cách mạng của nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của hệ thống tuyên giáo. Ngành tuyên giáo đã phát huy vai trò tiên phong, chủ lực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; tích cực chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn học-nghệ thuật; kết hợp “xây” và “chống”, “xây” là căn bản, “chống” phải quyết liệt, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tiếp đó, tham mưu Ban Bí thư ban hành Kế hoạch số 14-KH/TW ngày 25-3-2019 thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW và Kết luận 53-KL/TW về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội”. Ngành tuyên giáo đã chủ động làm trung tâm, đầu mối xây dựng, mở rộng kết nối các lực lượng đấu tranh, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mới, kết hợp hài hòa các biện pháp kỹ thuật, pháp lý, kinh tế và tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả, thông tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội. Ngành cũng chỉ đạo các cấp, các ngành cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, tổ chức trao đổi đối thoại, định hướng thông tin trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội.

Đến nay, sau chưa đầy hai năm thực hiện Nghị quyết 35, có thể thấy tình hình đã có chuyển biến với hiệu quả rõ nét. Nếu trước đây, có lúc, có nơi chúng ta còn lúng túng, bị động, đi sau trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì đến nay những hạn chế đó đã khắc phục được một bước cơ bản; cán bộ, đảng viên trong các cấp, các ngành đều chủ động hơn trong phản bác những thông tin, luận điệu sai trái; từng bước làm sạch môi trường internet, mạng xã hội, báo chí, truyền thông. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng được tổ chức có hệ thống, cán bộ, đảng viên được trang bị nhiều kỹ năng, nhiều thông tin hơn nên tính chiến đấu cao hơn, việc đấu tranh có hiệu quả và mang tính thuyết phục cao hơn.

PV: Nhân nói về thông tin giả, thông tin xuyên tạc, tôi cho rằng sở dĩ những thông tin đó tồn tại một phần do báo chí, truyền thông nước ta vẫn còn những “khoảng trống” hoặc đôi khi đưa tin quá chậm với lý do “nhạy cảm, phức tạp” cần cân nhắc thêm. Nhiều khi, sự “cân nhắc” của cơ quan có thẩm quyền kéo dài tới vài ngày, và trong khoảng thời gian chúng ta còn “cân nhắc” thì công chúng đã “bội thực” với đủ nguồn tin từ báo chí nước ngoài hoặc mạng xã hội. Rất may là thời gian qua, vấn đề này đã được khắc phục rất căn bản. Tôi cũng tìm hiểu qua nhiều nguồn thì được biết, ngay sau khi nhận cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí đã chỉ đạo khắc phục vấn đề này?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin vừa là phương châm, vừa là nguyên tắc hoạt động chung của cả ngành tuyên giáo chứ không riêng gì báo chí. Các đồng chí lãnh đạo ban tiền nhiệm của tôi đều quan tâm chỉ đạo rất tốt vấn đề này. Tất nhiên, ở mỗi thời kỳ, yêu cầu về tính “chủ động, kịp thời” có khác nhau. Trước khi nhận nhiệm vụ ở Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi đã cảm nhận thấy đây là một yêu cầu rất cao của CTTG. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ, tôi cùng tập thể ban bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân một số vụ việc báo chí thông tin chậm. Thực tế cho thấy, trong chỉ đạo, định hướng báo chí, khó nhất là khi chỉ đạo, định hướng các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Thế nào là “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm” thì Ban Bí thư đã có quy định nhưng khi sự kiện, vấn đề xảy ra thì không dễ có sự thống nhất trong nhận thức giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý với cơ quan báo chí; giữa Trung ương với địa phương; giữa báo chí và công chúng. Rồi thông tin thế nào để vừa bảo đảm tính định hướng và yêu cầu thông tin khách quan, cũng như rất nhiều vấn đề liên quan khác… Tất cả những cái đó, nguyên nhân nào thuộc về chủ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, của lãnh đạo ban thì tìm cách tháo gỡ; nguyên nhân nào thuộc về các cơ quan khác thì yêu cầu cơ quan đó tích cực tháo gỡ với kế hoạch, tiến độ cụ thể. Đồng thời, lãnh đạo ban cũng thường xuyên lắng nghe các cơ quan báo chí, cố gắng tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có thông tin sớm nhất, kể cả các thông tin quan trọng nhưng không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, không thuộc phạm vi thông tin mật nhằm đáp ứng quyền được thông tin của người dân và công chúng.

Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo báo chí, có thể rút ra một số kinh nghiệm để khắc phục tình trạng thông tin chậm thế này: Một là, về quan điểm thông tin, phải chủ động, kịp thời. Hai là, về vai trò chỉ đạo định hướng thông tin, cần tập trung một đầu mối, không để phân tán. Trong phối hợp thông tin phải chặt chẽ, thống nhất. Ba là, về nội dung thông tin, phải chuẩn xác, không được hấp tấp, vội vàng dẫn đến sai sót.

PV: Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Trong lịch sử Đảng ta, các thế hệ làm CTTG đều rất tài năng và xuất sắc. Hiện nay, tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ làm CTTG. Theo đồng chí, những yêu cầu đó là gì?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Những người làm CTTG của Đảng hiện đang đứng trước những thử thách rất gay gắt, ngày càng quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng. Quá trình nước ta hội nhập sâu rộng và trực tiếp vào đời sống kinh tế quốc tế cùng với tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin; các khuynh hướng tư tưởng khác biệt, thậm chí đối lập dễ dàng xâm nhập, hình thành, đang cọ xát, đấu tranh hằng ngày. Các luồng thông tin đa chiều, trái chiều từng ngày, từng giờ tác động vào tâm lý, tình cảm, lối sống của con người Việt Nam. Các thế lực thù địch nhân cơ hội này cũng tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng với chiến lược, chiến thuật tinh vi, xảo quyệt hơn; tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… đặt CTTG trước nhiều khó khăn, thử thách.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như một nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày. Nhiệm vụ này cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ làm CTTG. Trong đó, những yêu cầu có tính căn bản là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tế, lời nói đi đôi với việc làm, viết và nói phải “đúng, trúng, thuyết phục”, có khả năng kết nối các lực lượng trong lĩnh vực CTTG… Với những cán bộ làm công tác lý luận thì yêu cầu còn cao hơn, phải là những người có hiểu biết và nhãn quan chính trị rộng, luôn gắn chặt giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, nhạy bén nắm bắt cái mới và sáng tạo ra cái mới.

Yêu cầu về nắm bắt cái mới, sáng tạo ra cái mới là đòi hỏi rất cao và bí quyết hoàn thành nhiệm vụ cũng nằm ở đó. Bây giờ, người làm CTTG, từ Trung ương đến cơ sở, đều phải nhanh nhạy dự báo, nắm bắt đầy đủ các luồng thông tin, nhanh chóng xử lý các luồng thông tin; kịp thời thông tin đến nhân dân để nhân dân phân biệt rõ đâu là thông tin đúng, đáng tin cậy; đâu là thông tin sai, thông tin giả, thông tin xuyên tạc cần đấu tranh loại bỏ. Như vậy thì thấy, chỉ bản lĩnh vững vàng là chưa đủ, mà phải có trình độ làm chủ thông tin, chủ động xử lý thông tin để cung cấp kịp thời thông tin định hướng, thông tin chính xác cho nhân dân.

Tôi có tâm sự với các đồng chí làm CTTG hiện nay là, ngành tuyên giáo rất tự hào vì các thế hệ làm tuyên giáo lớp trước đều là những thế hệ rất tài năng, tâm huyết. Nhưng không vì thế mà cho phép thế hệ hiện tại tự ti, yếu thế, càng tự hào về truyền thống của ngành, về thế hệ đi trước thì càng phải ra sức học tập và công tác để không ngừng tiến bộ. Không có tài năng nào là bẩm sinh mà ai cũng phải thông qua con đường học tập, tu dưỡng, rèn luyện và cống hiến hết mình thì mới hình thành tài năng và nhân cách. Những thách thức gay gắt, quyết liệt đặt ra cho CTTG hiện nay chính là môi trường để thế hệ hiện nay của ngành tuyên giáo tôi luyện, khẳng định và trưởng thành, xứng đáng với sứ mệnh là những người “đi trước, mở đường”.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG HẢI (thực hiện)

(Theo QĐND )

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.