Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 06:06:21

Nét đẹp xòe Thái ở Mường Lò

Ngày đăng: 16/08/2015

QK2 – Thị xã Nghĩa Lộ nằm trên quốc lộ 32 cách thành phố Yên Bái 80km về phía Tây, nơi đây có cánh đồng Mường Lò được mệnh danh là một trong bốn cánh đồng lớn của miền Tây Bắc “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” kèm theo câu thơ nổi tiếng: “Mường Lò gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Không chỉ biết đến với cánh đồng rộng lớn thẳng tắp cánh cò bay, mà Mường Lò – Nghĩa Lộ còn được biết đến là cái nôi của những điệu xòe cổ cùng với ẩm thực nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái.

Vòng xòe cổ lớn của dân tộc Thái ở Mường Lò.

Vòng xòe cổ lớn của dân tộc Thái ở Mường Lò.

Đến với Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái, du khách được ở trong những ngôi nhà sàn rộng lớn, hòa mình trong những lễ hội Cầu Mùa, tiếng khèn rộn rã với điệu múa Chôm Chiêng, thưởng thức men rượu nồng nàn say đắm, ngẩn ngơ trước những cô gái Thái vận trên mình những bộ váy áo cỏm đủ sắc mầu, căng tràn sức trẻ.
Không chỉ có gạo trắng, nước trong và những lễ hội mang đầy bản sắc dân tộc, Mường Lò còn níu chân người đến bằng những điệu xòe cổ nồng say. Nếu đã một lần đến với Mường Lò đắm chìm trong vũ khúc xòe Thái và đón ngọn gió xuân mơn man từ khắp cánh đồng, thôn bản thì hẳn sẽ chẳng ai có thể quên. Xoè là nét văn hoá trong sinh hoạt cộng đồng, tiêu biểu độc đáo của đồng bào các dân tộc Mường Lò – Nghĩa Lộ. Người Thái vẫn hay hát rằng: “Không xoè không vui/ Không xoè cây lúa không trổ bông/ Không xoè cây ngô không ra bắp/ Không xoè trai gái không thành đôi”.
Vì thế, đối với người dân tộc Thái, xoè là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi cuộc vui và trong các lễ hội.
Hiện nay người Thái Mường Lò còn gìn giữ được 6 điệu xòe cổ. Điệu “Khắm khen” – nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng. Điệu “Khấm khăn mời lẩu” -nâng khăn mời rượu, tỏ lòng yêu quý và mến khách. Điệu “Phá xí” – bỏ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người. Điệu “Đổn hôn” – tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau. Điệu “Nhôm khăn” – tung khăn, thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… Điệu “Ỏm lọm tốp mư” -vòng tròn vỗ tay, thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe, mỗi điệu xoè thể hiện một nét văn hoá riêng.
Trong men rượu nếp Mường Lò, mọi người vừa nắm tay nhau xòe quanh đống lửa, vừa rót cho nhau chén rượu. Để rồi, những du khách đã từng đến Mường Lò, khi ra về đều nhớ mãi những chén rượu thơm nồng, nhớ đôi bàn tay ấm áp của các cô gái Thái trong những điệu xòe hoa, nhớ những âm thanh trầm bổng lôi cuốn mọi người đến với vòng xòe và nhớ lời nhắn nhủ tha thiết của các thiếu nữ Thái khi chia tay: “Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang theo về xuôi”.

NGỌC CƯỜNG (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.