Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 01:04:07

Nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Ngày đăng: 05/06/2018

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu của quân đội, trọng tâm là Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của QUTƯ về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, trong những năm qua, toàn quân đã tạo được những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.

Nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện được tiến hành chặt chẽ, thống nhất. Nội dung chương trình, phương pháp huấn luyện, diễn tập, kiểm tra, hội thi, hội thao không ngừng được đổi mới, kịp thời cập nhật sự phát triển của khoa học và công nghệ, nghệ thuật tác chiến. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, biên soạn tài liệu được triển khai có hiệu quả. Các đơn vị trong toàn quân đã coi trọng làm tốt công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong huấn luyện; các hoạt động thi đua, hội thi, hội thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Công tác bảo đảm huấn luyện, nhất là về trường bắn, thao trường, bãi tập từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Chất lượng huấn luyện phân đội và trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của chỉ huy, cơ quan các cấp được nâng lên.

Thượng tướng Phan Văn Giang kiểm tra công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh Quảng Ninh, năm 2017. Ảnh: Duy Hồng

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, kết quả một số nội dung huấn luyện đạt được chưa cao, chư­a thực sự vững chắc. Huấn luyện có nội dung chưa sát thực tế chiến đấu, huấn luyện gắn với rèn luyện nâng cao sức khỏe, sức bền, dẻo dai trong mọi điều kiện còn chưa được coi trọng đúng mức. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả huấn luyện, trình độ, khả năng SSCĐ và chiến đấu của quân đội, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa phương châm huấn luyện đã được xác định. Quá trình huấn luyện là quá trình truyền thụ kinh nghiệm, nhất là những kinh nghiệm của chiến tranh giải phóng vận dụng và phát huy trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Huấn luyện với tư duy đổi mới, sáng tạo, làm sao cho bộ đội nắm chắc, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị được biên chế, hiểu và vận dụng các hình thức tác chiến, thủ đoạn chiến đấu, giỏi tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân binh chủng với các điều kiện và quy mô khác nhau.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta, tình hình tranh chấp biển đảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đặt ra những yêu cầu cao hơn trong xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, an ninh, trực tiếp là nhiệm vụ huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ và chiến đấu của quân đội. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn quân cần tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của QUTƯ, Bộ Quốc phòng nhằm triển khai toàn diện các mặt công tác, các khâu đột phá, nâng cao chất lượng huấn luyện, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với nhiệm vụ huấn luyện.

Đây vừa là nguyên tắc, vừa là giải pháp và nhân tố quyết định chất lượng chương trình huấn luyện, bảo đảm cho chương trình huấn luyện được tiến hành đúng hướng. Do đó, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của QUTƯ, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, trọng tâm là Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của QUTƯ; Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng năm 2018 của Tổng Tham mưu trưởng. Trên cơ sở đó, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện. Nâng cao chất lượng nghị quyết chuyên đề về huấn luyện. Cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, thông qua những nội dung quan trọng của chương trình huấn luyện, như: Nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện, ý định diễn tập…; phân công cấp ủy viên phụ trách, kiểm tra các nội dung huấn luyện… Mặt khác, các đơn vị đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức, như: Đoàn thanh niên, hội đồng quân nhân trong chương trình huấn luyện. Kiên quyết khắc phục biểu hiện chủ quan, khoán trắng cho cấp dưới, hoặc bớt xén nội dung, chương trình huấn luyện, hạ thấp yêu cầu và “bệnh thành tích”.

Thượng tướng Phan Văn Giang kiểm tra công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh Quảng Ninh, năm 2017. Ảnh: Duy Hồng

Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong huấn luyện; coi trọng giáo dục, nâng cao nhận thức cho các đối tượng về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; niềm tin vào vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam; bám sát thực tiễn huấn luyện, thường xuyên trao đổi, bàn bạc, thống nhất để tổ chức thực hiện có hiệu quả trong suốt quá trình huấn luyện. Căn cứ vào tình hình cụ thể, tổ chức đảng các cấp ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Trong đó, xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, mức độ yêu cầu, các khâu yếu, mặt yếu và giải pháp khắc phục. Các đơn vị cụ thể hóa, triển khai nhiệm vụ một cách toàn diện, xác định trọng tâm, trọng điểm và biện pháp thực hiện, tạo chuyển biến mới trong công tác huấn luyện, SSCĐ. Trong đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện cần được chủ động thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, trên cơ sở nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi cao.

Đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp huấn luyện, diễn tập.

Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng và là khâu đột phá để nâng cao chất lượng huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ và chiến đấu của quân đội. Trên cơ sở chương trình, nội dung huấn luyện đã quy định, các đơn vị cần chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, vận dụng các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện. Tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, dịch chuyển và huấn luyện trong điều kiện ăn, ở dã ngoại dài ngày. Cùng với đó, các đơn vị phải đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập đối kháng, coi trọng rèn luyện năng lực chỉ huy độc lập của chỉ huy các cấp.

Xuất phát từ đặc điểm đối tượng, môi trường hoạt động và nghệ thuật tác chiến, cần tích cực đổi mới huấn luyện một cách toàn diện, thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện, chú trọng cả huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, giáo dục và huấn luyện pháp luật, rèn luyện thể lực gắn với xây dựng nền nếp chính quy; coi trọng huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị mới, huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Huấn luyện cho chỉ huy các cấp thành thạo công tác tham mưu tác chiến, nắm vững đối tượng, đối tác và quan điểm, phương châm, nâng cao trình độ, khả năng phân tích, đánh giá tình hình, xử lý đúng các tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ. Trong huấn luyện đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, coi trọng nâng cao trình độ chuyên sâu tay nghề, bậc thợ theo các chuyên ngành, bảo đảm xử lý tốt các sự cố kỹ thuật, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại.

Thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt huấn luyện, diễn tập, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện. Đổi mới công tác kiểm tra huấn luyện theo hướng vừa duy trì kiểm tra định kỳ, vừa tăng cường kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên, kết hợp giữa kết quả cụ thể và quá trình phấn đấu của đơn vị để đánh giá khách quan. Qua đó, từng bước khắc phục tư tưởng chủ quan, trung bình chủ nghĩa và bệnh thành tích trong huấn luyện, góp phần đưa kết quả huấn luyện đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là ở các nội dung khó, trọng điểm. Cùng với đổi mới công tác kiểm tra, việc tổng kết, rút kinh nghiệm huấn luyện cũng phải triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm đánh giá mạnh, yếu trên các mặt công tác, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp, rút ra bài học kinh nghiệm cho từng đơn vị; đồng thời, xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt được và phương hướng khắc phục đối với từng nội dung, nhất là khâu yếu, mặt yếu trong các giai đoạn huấn luyện tiếp theo. Làm tốt công tác thi đua-khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác huấn luyện, SSCĐ, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kết hợp đẩy mạnh huấn luyện với nâng cao trình độ và khả năng SSCĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, chủ động xây dựng, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, bảo đảm sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, thực tế chiến đấu và mang tính khả thi cao. Trên cơ sở đó, các đơn vị vừa tổ chức huấn luyện, luyện tập nâng cao khả năng hiệp đồng, vừa duy trì nghiêm túc các chế độ trực chỉ huy, trực chiến, tuần tra, canh gác, bảo đảm thông tin liên lạc theo quy định. Chủ động kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với luyện tập, diễn tập theo phương án tác chiến, nhất là diễn tập đối kháng.

Để tăng thêm khả năng thích ứng nhanh trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao cũng nh­ư thực hành các nhiệm vụ khác, bộ đội phải được huấn luyện thường xuyên trong điều kiện phức tạp, thực tế hơn. Phải tạo ra môi tr­ường huấn luyện bộ đội sát với hoàn cảnh tình huống của các nhiệm vụ mà đơn vị sẽ phải đảm nhiệm, môi tr­ường đối kháng thực tế sát với điều kiện của chiến trường bằng biện pháp tổ chức lực l­ượng luyện tập chu đáo; tổ chức diễn tập có hiệp đồng chiến đấu nhiều thành phần, nhiều lực l­ượng; huấn luyện bảo toàn lực lư­ợng thời kỳ đầu chiến tranh… Thông qua đó để kiểm nghiệm kết quả của công tác huấn luyện. Huấn luyện cơ bản đạt trình độ thuần thục, vững chắc phải luôn được coi là yêu cầu hàng đầu trong huấn luyện và rèn luyện bộ đội.

Hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, quản lý huấn luyện

Hiện nay, trong toàn quân (cả cấp bộ và các đơn vị, địa phương) có nhiều cơ quan chức năng tham gia chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục, huấn luyện SSCĐ.

Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, quản lý huấn luyện, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý và chỉ đạo của các cơ quan chức năng liên quan đến giáo dục, huấn luyện các cấp: Chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Yêu cầu phải đạt được là: Quản lý và chỉ đạo chặt chẽ huấn luyện các đối tượng, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra).

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác huấn luyện

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ và chiến đấu của quân đội, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển các hệ thống mô hình, học cụ huấn luyện tiên tiến, dùng cho huấn luyện diễn tập tác chiến hợp đồng quân, binh chủng, huấn luyện lực lượng, quy mô cấp chiến dịch-chiến lược. Hiện nay, các thiết bị huấn luyện hiện đại như hệ thống huấn luyện mô phỏng ngày càng được sử dụng rộng rãi, rất tiện lợi trong huấn luyện, đồng thời có thể kiểm tra kết quả huấn luyện. Ngoài ra, có thể chuẩn bị các phương án tác chiến từ cấp chiến lược cho đến đơn vị chiến đấu và cá nhân, với nhiều tình huống tác chiến, mà không cần sử dụng thực binh, tiết kiệm đáng kể nguồn kinh phí tổ chức diễn tập.

Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại và ứng dụng các sáng kiến cải tiến trong huấn luyện, diễn tập. Các đơn vị trong toàn quân phải tích cực, chủ động triển khai, từ hướng dẫn, tập huấn, đến triển khai theo lộ trình cụ thể tới từng đối tượng, nội dung huấn luyện. Trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại cần được từng bước đầu tư, cấp phát đồng bộ cho đơn vị. Chỉ huy các cấp phải tích cực động viên, hướng dẫn và nhân rộng những điển hình về phương pháp huấn luyện bộ đội bằng các trang thiết bị huấn luyện công nghệ cao…

Nâng cao chất lượng huấn luyện là yêu cầu cấp thiết và là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X đã đề ra. Trong thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng trình độ SSCĐ và chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top