Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 09:18:02

Nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự

Ngày đăng: 12/05/2022

QK2 – Khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018 nêu rõ: Phòng thủ dân sự (PTDS) là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. PTDS bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh, thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thực hiện chương trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Luật PTDS.

Lực lượng vũ trang Quân khu tích cực tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Mục đích xây dựng Luật PTDS nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống thảm họa do thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; bảo vệ cho người dân, cơ quan, tổ chức, kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường…; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về PTDS. Nâng cao năng lực về PTDS, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố, thảm họa gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật PTDS là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…

Nội dung Luật PTDS tập trung vào 6 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/2/2022, phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2 năm 2022, bao gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động PTDS; Phân công trong quản lý Nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; Đổi mới tổ chức của Ban chỉ đạo PTDS quốc gia; Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; Quy định về tình trạng khẩn cấp trong PTDS.

Dự thảo Luật PTDS gồm 7 chương với 84 điều quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về PTDS; PTDS trong tình trạng khẩn cấp; lực lượng PTDS; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động PTDS; chế độ, chính sách và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong PTDS.

Bộ Quốc phòng hiện đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tổ chức và cá nhân đối với dự thảo Luật PTDS. Thông tin chi tiết và ý kiến đóng góp về dự thảo Luật PTDS đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

VIỆT CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.