Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:44:12

Nắm bắt thời cơ lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật

Ngày đăng: 17/08/2020

QK2 – Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. Thời cơ khởi nghĩa trong cả nước đã chín muồi. Từ  ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra: “Đánh địch bằng quân sự, chính trị, có lúc địch vận, có lúc phải tiến hành song song cả hai mặt”.

Sáng mãi tinh thần Cách mạng Tháng Tám (Ảnh: TL).

Thực hiện Kế hoạch trên, Ủy ban khởi nghĩa quyết định rút lực lượng ở Chiêm Hóa, Hàm Yên về tăng cường cho việc giải phóng thị xã Tuyên Quang. Đêm 16 tháng 8 năm 1945, toàn bộ lực lượng khởi nghĩa gồm 3 đại đội giải phóng quân, tự vệ của các huyện, công nhân mỏ than, thanh niên thị xã đã sẵn sàng chờ lệnh. 1 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, các đơn vị nhanh chóng tiến về thị xã đánh chiếm các mục tiêu. Do làm tốt công tác binh vận từ trước ta đã nhanh chóng chiếm được trại bảo an. Trước sức mạnh tiến công áp đảo của quân cách mạng, tên tỉnh trưởng Tuyên Quang Dương Thiệu Chính xin đầu hàng cách mạng. 5 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, toàn bộ thị xã Tuyên Quang đã nằm dưới sự kiểm soát của quân khởi nghĩa. Trước tình hình đó, Ủy ban khởi nghĩa chủ trương: “Dùng lực lượng vũ trang bao vây uy hiếp về quân sự, dùng lực lượng quần chúng biểu tình gây thanh thế áp đảo tinh thần địch, kết hợp với thương thuyết, gọi hàng, tránh mọi sự đổ máu không cần thiết”. Hoảng sợ trước sức mạnh áp đảo của quân cách mạng, quân Nhật vội xin điều đình và đề nghị ngừng bắn. Kết quả hai bên đi tới thỏa thuận: Nhật sẽ đầu hàng, chịu tuân theo mọi điều kiện của chính quyền cách mạng đặt ra; Nhật giao cho ta toàn bộ vũ khí của Pháp, còn vũ khí của chúng phải xin chờ chỉ thị cấp trên; trong những ngày chờ đợi rút quân về Hà Nội, ta cho phép quân Nhật ra chợ mua lương thực, thực phẩm; hai bên ngừng bắn.

Trưa ngày 19 tháng 8 năm 1945, ta nhận được tin một bộ phận quân Nhật từ Hà Giang kéo về hỗ trợ cho lực lượng Nhật bị vây ở thị xã Tuyên Quang. Nắm được ý đồ của địch, một bộ phận quân giải phóng quân được lệnh lên đường ngăn chặn quân Nhật từ Hà Giang kéo về tại ki-lô-mét số 7 (đường Tuyên Quang – Hà Giang), buộc chúng phải đóng quân tại chỗ. Quân Nhật trong thị xã Tuyên Quang được tin có quân chi viện, liền trở mặt phá mọi cam kết với ta. Trước tình hình đó, ta buộc phải có hành động cứng rắn, kiên quyết hơn: Không cho bất cứ lính Nhật nào ra khỏi trại, đồng thời sẵn sàng tiêu diệt những tên ngoan cố. Ngày 20 tháng 8 năm 1945, ta tổ chức một cuộc tuần hành thị uy ngay trước cổng trại lính Nhật. Băng, cờ, khẩu hiệu đỏ rợp. Hàng nghìn quần chúng cách mạng cùng LLVT giương cao súng ống, gậy gộc, gươm giáo, hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”… Trước khí thế cách mạng sôi sục của quần chúng, lại bị bao vây, cắt đứt mọi đường tiếp tế, trong khi đó quân cứu viện bị chặn đánh, số lính Nhật tại thị xã Tuyên Quang buộc phải đầu hàng.  Ngày 21 tháng 8 năm 1945, quân Nhật rút  khỏi thị xã. Thị xã Tuyên Quang hoàn toàn giải phóng. Tỉnh Tuyên Quang sạch bóng quân thù. Cuộc khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng đã được thiết lập trên toàn tỉnh. Sáng 22 tháng 8 năm 1945, thị xã Tuyên Quang tưng bừng trong không khí độc lập của những ngày khởi  nghĩa thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Tuyên Quang thành công là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây là kết quả của sự tận tụy hy sinh, trung thành với Đảng, với lợi ích dân tộc của những cán bộ, đảng viên trung kiên ở Tuyên Quang. Đây còn là kết quả của truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột, kiên cường dũng cảm của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, một lòng đi theo Đảng, đấu tranh cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.

THU HUYỀN (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.