Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 08:44:26

Mùa bưởi chín

Ngày đăng: 08/10/2018

QK2 – Tháng Tám nắng vàng, tiết trời hanh heo, ấy là lúc vườn bưởi vào độ chín mọng và bắt đầu cho thu hoạch. Bưởi đón Trung Thu còn he he, tê tê nơi đầu lưỡi nhưng mâm quả chờ trông trăng mà thiếu quả bưởi thì chưa phải vị của mâm cỗ quả chơi trăng, đón Trung thu.

Ngày nhỏ, tôi cùng bầy trẻ hàng xóm tụ tập dười gốc bưởi đầu nhà xem ông tôi đan rổ và nghe kể chuyện. Ông cẩn trọng chuốt từng nan tre, sợi dây mây đan rổ, cạp rá, làm ra những chiếc rổ, rá tròn trĩnh, bắt mắt, nhưng ngón tay ông sần sùi. Thảng hoặc với được quả bưởi ngon, ông lại dừng tay, dùng con dao đang chuốt sợi bổ bưởi cho tụi trẻ ăn và lại kể câu chuyện về quả thủy lôi. Ông kể từng tham gia du kích ở ven sông Lô những năm đầu kháng chiến chống Pháp, phối hợp với bộ đội chính quy bắn tàu Pháp chạy ngược sông lên Việt Bắc. Du kích ta dùng quả bưởi sơn đen, giả làm thủy lôi, rồi thả trôi sông. Bưởi thủy lôi bập bềnh trên dòng nước chảy xiết. Khi tàu Pháp chạy ngược sông gặp dàn thủy lôi bưởi thả thành dây, thành mảng, tưởng thủy lôi thật chạy dạt sang mạn sông đối diện, đúng trận địa phục kích của ta, bị pháo binh ta “đặt gần, bắn thẳng” khai hỏa. Nhiều tàu giặc chìm xuống lòng sông.

.

Cây bưởi vườn nhà mỗi năm tán một rộng, năm nào cũng cho vài thúng quả. Bưởi vườn nhà chẳng bán bao giờ, chỉ gặp người thân quen, ở xa về để cho, tặng và ăn từ rằm tháng Tám. Bà dặn “Bưởi cành la, na cành đỏng” để chọn bưởi mọng, bưởi ngon biếu khách quý.

Tháng Hai, khi có mưa xuân, hoa bưởi đã hé nở. Tiết trời vào xuân, hương bưởi làng tôi tỏa thơm ngào ngạt. Hoa bưởi trắng, năm cánh uốn cong để lộ nhị vàng. Mấy đứa con gái nhạt bông hoa bưởi rụng giấu vào cặp sách, mang theo hương hoa bưởi đến trường. Bọn trẻ trai thì đợi tháng tư, tháng năm, quả bưởi non, xanh thẫm, nhinh nhỉnh bằng ngón chân cái bị bão làm rụng để thay làm bi, đóng nõ tre làm con quay chơi trên bãi cát mỏng mịn.

Ngày nhỏ, tôi thấy bộ phận nào của quả bưởi cũng có tác dụng hữu ích. Múi bưởi làm thức ăn thanh mát. Cùi bưởi là thứ bà và mẹ thích nhất. Chọn những quả bưởi vừa phải, nặng chịch, tròn đều, gọt mỏng vỏ, sau đó khía cùi thành mảnh nhỏ, bóc nhẹ, phơi khô rồi cắt từng thanh ngắn, ăn cùng miếng trầu cho thêm vị đậm. Còn vỏ quả bưởi là thứ được dùng nhiều nhất. Vỏ bưởi phơi bờ rào cùng lá bưởi tươi, đun nước gội đầu hoặc thêm vào vị lá đun nồi nước xông sau đợt cảm cúm cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Vỏ bưởi nhiều không gội đầu hết thì dùng làm nòm nhóm bếp, cháy bén xèo xèo. Vỏ bưởi quê tôi còn được gác trên dựa bếp, bắt bồ hóng đen bóng. Khoảng đầu tháng chạp, đợi ngày khô ráo, bà tôi lấy vỏ bưởi trên dựa bếp xuống, đập cho hết bồ hóng, đốt cùng lá sòng sọng tươi thành tro, lấy tro đem ngâm bằng nước mưa trong chum sành. Nửa tháng sau, nước ngâm tro trong văn vắt, bà tôi gạn lấy thứ nước ấy, gọi là nước nẳng, quấy đều vào bột gạo để làm bánh tẻ ăn Tết Nguyên đán. Thứ bánh ấy chẳng cần thêm hóa chất gì mà ăn thơm ngon, man mát, dễ tiêu, vừa giòn, vừa dẻo, cắt lát, bẻ khoanh bánh gập đôi mà không gãy, để mấy ngày tết không ôi thiu.

Gần giữa mùa đông, khi quả bưởi có dấu hiệu đăn lại, bà tôi lại giục trẩy hết xuống. Quả bưởi để dành bôi vôi vào phần cuống, để gầm giường, vài tháng sau, vỏ gieo lại tưởng khô héo, nhưng múi bưởi bên trong vẫn mòng mọng nước. Cây bưởi cuối đông, lá già lớp trước chưa trút hết thì chồi non đã nẩy để đón một đợt hoa cho vụ quả mới.

Ấy là giống bưởi truyền thống quê tôi.

Đến bây giờ, quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác trong cả nước trồng nhiều giống bưởi mới cho hiệu quả kinh tế cao. Các miền Bắc – Trung – Nam đều lai tạo nhiều giống bưởi lai tứ thì, ra hoa trái quanh năm, năng suất, chất lượng. Giống bưởi lai còn đắt đỏ, làm giàu cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, trong ký ức, bưởi vườn nhà luôn sống trong tôi, gốc bưởi bao năm mà chưa hề thoái giống, cành lá vẫn la đà, xum xuê, quả bưởi sai trĩu trịt, lúc la lúc lỉu trong gió thu nhè nhẹ. Mỗi đận về thăm quê, nhìn lại gốc bưởi, những câu chuyện ông kể khi xưa lại ùa về cùng với ký ức tuổi thơ tôi, chơi trận giả trong vườn bưởi, bắn bi bưởi, đánh quay bưởi và ăn bánh nẳng, bánh tẻ từ nước vỏ bưởi.

“Mưa tháng Bảy gẫy cành trám. Nắng tháng Tám rám trái bưởi”, ấy là câu ca dao mà bà tôi thường nói về thời tiết để nhắc nhở con cháu phòng lụt, tránh bão và báo hiệu bưởi ngoài vườn đã đến thì.

Nắng tháng tTm hôm nay vẫn đang vàng hoe, quả bưởi đã rám. Về quê nhìn lại cây bưởi đầu vườn, nỗi nhớ ông bà, nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ tôi đến nao lòng…

Phú Thọ, Trung thu 2018 (Tản văn của Đức Đào)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.