Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 11:28:48

Mãi tự hào đường Trường Sơn huyền thoại

Ngày đăng: 27/05/2019

QK2 – Năm nay, chúng ta kỷ niệm 60 năm Đường Trường Sơn huyền thoại. Truyền thống con đường ấy được khởi nguồn từ ngày 19 tháng 5 năm 1959. Đây là ngày “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) thành lập, có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Từ ấy, ngày 19 tháng 5, ngày sinh Bác Hồ trở thành Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn. Con đường Trường Sơn vinh dự được mang tên Đường Hồ Chí Minh.

Cầu ngầm, một công trình cực kỳ quan trọng để các phương tiện vượt sông mà phía Không quân Mỹ không thể phát hiện ra được những cây cầu này. Ảnh TL

Trải suốt năm tháng chiến tranh, con đường Trường Sơn trở thành tuyến chi viện chiến lược, vận chuyển vật chất, binh lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam; là mạch máu giao thông quan trọng, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ đội Trường Sơn trở thành một phần máu thịt của Quân đội, góp phần vào chiến công của Quân đội, của cách mạng Việt Nam.

Vậy nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những thông tin hoài nghi, đi ngược lịch sử, cho rằng đó là sự huyền thoại giả tạo; đòi “tìm hiểu sự thật về đường Hồ Chí Minh trong cuộc chiến Đông Dương”. Họ xuyên tạc trắng trợn rất nhiều điều như: Đảng ta đã dựng lên Mặt trận Giải phóng miền Nam để lừa gạt dư luận về cuộc “nội chiến ở miền Nam; “bộ đội cộng sản Bắc Việt trên đường xâm nhập vào Nam”; Mở con đường làm hy sinh bao xương máu hoặc lấy việc kỷ niệm truyền thống là để che lấp những khiếm khuyết trong lãnh đạo hiện nay…

Phải khẳng định rằng, những lý lẽ trên thật là xằng bậy, cố tình không hiểu lịch sử, phỉ báng, phủ nhận lịch sử, chà đạp lên sự thật.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam – Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền tây Quảng Trị. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.

Đầu năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng đã đề ra nhiệm vụ cơ bản cho cách mạng là giải phóng miền Nam; việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Thực hiện chủ trương ấy, Đoàn 559 ra đời.

Con đường Trường Sơn vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, quân dân ta thực hiện khẩu hiệu là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”; phải chủ động tránh địch và bí mật. Ngay trong năm 1959, những chuyến hàng đầu tiên chi viện cho miền Nam vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặt của địch đã tới đích.

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc… Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy… được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh, mở khúc ruột nối các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường. “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, quân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, dũng cảm, kiên cường chống trả cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Mỹ – ngụy. Thời gian này, chúng đã ném xuống đây hơn 3,5 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn số lượng bom đạn Mỹ đã sử dụng trong đại chiến thế giới lần thứ hai.

Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng nổi bật của trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có thể nói, đây là một sự sáng tạo độc đáo về chiến lược của Đảng ta, là con đường huyền thoại thống nhất Bắc – Nam, là con đường liên minh, đoàn kết và chiến đấu thắng lợi của ba nước: Việt Nam – Lào – Campuchia anh em; là biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chúng ta tự hào và mãi khắc ghi công lao của những người đi mở đường Trường Sơn và tri ân những người đã nằm xuống trên con đường huyền thoại ấy để đưa sức người, sức của ra chiến trường; giành đại thắng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Đó cũng là sự thật để mỗi chúng ta loại bỏ những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch phủ nhận lịch sử về con đường Trường Sơn huyền thoại.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.