Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 01:51:07

Mãi mãi học tập, làm theo tư tưởng thi đua ái quốc của Bác

Ngày đăng: 11/06/2018

Bảy mươi năm trước, giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Khi đó, thực dân Pháp bị phá sản trong chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, chuyển sang đánh lâu dài  và mở nhiều cuộc hành quân xoá bỏ các căn cứ kháng chiến, mở rộng nguỵ quân, củng cố nguỵ quyền, bình định vùng tạm chiếm. Về phía ta, Đảng và Chính phủ đã có thêm kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh; bộ đội ta đã trưởng thành một bước về trình độ tác chiến; nhân dân ta thêm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Để đáp ứng yêu cầu cách mạng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đẩy mạnh chiến tranh; phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tất cả các hoạt động học tập, lao động sản xuất đều phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Trước khi ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Người đã ký Sắc lệnh thành lập Ban vận động thi đua ái quốc các cấp. Ngày 11-6-1948, Người viết Lời kêu gọi Thi đua ái quốc với nội dung tư tưởng bao trùm “người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Người kêu gọi: Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Bác Hồ với các chiến sĩ Điện Biên tiêu biểu. Ảnh: Tư liệu

Theo tư tưởng của Người, thi đua nhằm mục đích trước mắt là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, làm cho toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Mục đích lâu dài là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Thi đua trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá, tạo sức mạnh tổng hợp đưa kháng chiến, kiến quốc đi tới thành công.

 Hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước đã dấy lên phong trào thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công sôi nổi, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy mọi mặt hoạt động kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”,  trên các lĩnh vực lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, văn hóa giáo dục… nhiều cao trào thi đua yêu nước của các tập thể, cá nhân mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, phong trào thi đua tạo động lực giúp chúng ta vượt qua thách thức, nắm vững thời cơ, vận hội trong hội nhập quốc tế.

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT Quân khu 2 luôn học tập, làm theo tư tưởng thi đua của Bác. Trong các thời kỳ kháng chiến cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong phong trào thi đua quyết thắng, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, viết nên truyền thống “Trung thành – Tự lực – Đoàn kết – Anh dũng – Chiến thắng” của LLVT Quân khu 2.

Tại cuộc tọa đàm  “Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy” do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức vừa qua tiếp tục quán triệt sâu sắc và khẳng định giá trị và sức lan tỏa mạnh mẽ từ tinh thần thi đua ái quốc của Bác. Những câu chuyện cảm động trong phong trào thi đua trong chiến đấu, công tác của các Anh hùng LLVT nhân dân, của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tiếp tục được chia sẻ, nhân lên giá trị của thi đua yêu nước trong LLVT Quân khu.

“Lời Bác như tiếng kèn xung trận, giục giã  người chiến sĩ háo hức, muốn được giết giặc, lập công” là câu chuyện của Đại tá Anh hùng LLVT Nhân dân Phùng Văn Khầu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp nối mạch nguồn truyền thống đó, theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân, Phó Chính ủy Sư đoàn 316, t­­inh thần thi đua được cán bộ, chiến sĩ biến thành sức mạnh tổng hợp nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật của đơn vị không ngừng được nâng cao…

Cũng từ phong trào thi đua quyết thắng, hơn 5 năm qua, tại Trung đoàn 82 có 395 sáng kiến tham gia các hội thi, trong đó có 163 sáng kiến, cải tiến mô hình, đồ dùng huấn luyện được áp dụng trong thực tế huấn luyện và công tác của đơn vị.

Trong công tác hậu cần, phong trào thi đua “một tập trung, ba đột phá”: Tập trung đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện; đột phá: Nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc trong công tác bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội; triệt để thực hành tiết kiệm, chấp hành nghiêm chế độ, nguyên tắc hậu cần; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần.

Tại Công ty 705, phong trào thi đua tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị tại 5 cụm bản theo chỉ thị của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, giúp Bạn củng cố, kiện toàn cơ sở chính trị, xây dựng cơ sở hạ tầng.  Công ty vinh dự được Đảng, Nhà nước ta và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba…

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Thi đua từ những việc nhỏ nhất, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành những đỉnh cao mới. Đấy là biểu hiện cụ thể, sinh động của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong LLVT Quân khu 2.

BÁO QUÂN KHU 2

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.