Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 12:46:09

Luật An ninh mạng, hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ Nhân dân: Bài 3: Môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh

Ngày đăng: 25/07/2018

QK2 – Luật An ninh mạng mới ra đời quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Ngoài việc quy định về nguyên tắc bảo đảm an ninh trên không gian mạng, Luật An ninh mạng còn quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời dành hẳn một chương quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Ảnh minh họa.

Điều 16 của Luật nêu rõ: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán…

Bên cạnh đó cũng quy định thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

 Xét ở các phương diện khác nhau thấy rằng, trên không gian mạng vẫn còn khá phổ biến các trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia, đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Những thông tin xấu độc này tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông lâu nay đã liên tục có biện pháp đề nghị đại diện của các nhà cung cấp dịch vụ trên internet như Facebook, Google, YouTube… ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội, đồng thời tăng cường hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin. Tính đến cuối năm 2017, theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 6.500/7.500 clip xấu độc trên trang YouTube vi phạm pháp luật Việt Nam; Facebook đã gỡ bỏ 670/5.000 tài khoản giả mạo, có hoạt động gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực… Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh.

Quá trình Quốc hội thảo luận, xây dựng Luật An ninh mạng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trên bình diện chung, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá, Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý để tạo ra sân chơi, môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, giúp xử lý các hành vi xâm nhập, tấn công mạng. Luật sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên không gian mạng, các doanh nghiệp trong nước bị quản lý thế nào, doanh nghiệp nước ngoài cũng phải chịu quản lý như vậy. Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet trong nước, khi các dữ liệu internet được lưu trữ tại Việt Nam, chi phí cho đường truyền sẽ được cắt giảm so với lưu trữ ở nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp trong nước hoạt động thương mại, quảng cáo trên internet thông qua Facebook, Google, Youtube…, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải san sẻ nghĩa vụ thuế.

Khi nước ta công bố ban hành Luật An ninh mạng, nhiều tờ báo nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ. Tờ Dhakatribune của Bangladesh có bài viết không đồng tình với những ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng của Việt Nam được thiết lập để hạn chế Facebook, Google và sẽ làm tổn thương lòng tin của nhà đầu tư, cản trở đà phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam; đồng thời đưa ra lý lẽ và dẫn chứng, cho rằng luật này sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho Việt Nam cũng như mang đến những cam kết mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, nên rất có lợi cho phát triển kinh tế trong nước.

Hệ thống pháp luật nói chung là cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mọi công dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Luật An ninh mạng ra đời thống nhất với Hiến pháp và các đạo luật khác, tuân thủ pháp luật quốc tế và đây là đạo luật mới, ra đời đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước hướng tới cuộc cách mạng khoa học công nghệp 4.0.

Chế tài của Luật An ninh mạng chỉ áp dụng đối với những hành vi phạm tội (thông qua lợi dụng internet, mạng xã hội), vì thế Luật An ninh mạng không chỉ bảo vệ, bảo đảm tốt hơn độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng mà còn tạo điều kiện bảo đảm tốt hơn lợi ích quốc gia dân tộc.

Việc một số thế lực thù địch phản động lợi dụng quá trình xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng cũng như một số nội dung của Luật này để cho rằng Luật An ninh mạng “xâm phạm quyền tự do ngôn luận”; “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”… Đó là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc và chỉ là cái cớ để các thế lực thù địch chống phá Đảng, nhà nước ta, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân, qua đó đòi hỏi người dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác và củng cố niềm tin vào một môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh trên không gian mạng.

ĐỨC ĐÀO - VŨ NGUYỄN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.