Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 09:25:19

Luật An ninh mạng, hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ Nhân dân: Bài 2: Luật ra đời từ đòi hỏi khách quan

Ngày đăng: 19/07/2018

Trong kỷ nguyên của  đời sống số, không gian mạng là tài sản quốc gia, một bộ phận cấu thành đời sống xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp xây dựng xã hội thông tin, phát triển nền kinh tế tri thức. Cùng với thời gian, không gian mạng có sự phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng, mang lại nhiều lợi ích to lớn.

Tuy nhiên, nguy cơ đe dọa an ninh mạng là thách thức lớn trên phạm vi toàn cầu cũng như mỗi  quốc gia, khi khai thác, cung cấp dịch vụ, ứng dụng công nghệ số đòi hỏi cần phải có một hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý bảo vệ sự an toàn mạng, chính là bảo đảm chủ quyền ANQG bảo vệ quyền lợi, sự bình đẳng của mọi tổ chức, cá nhân. Theo thống kê, hiện đã có hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế, trong đó có các nước lớn giàu mạnh về kinh tế, hiện đại về công nghệ như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hàn Quốc, tổ chức NATO…  đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản luật nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ từ không gian mạng đến ANQG, thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, chiến tranh mạng, phòng chống tội phạm mạng. Trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng.

Một trang mạng xã hội đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc và hành vi sai trái của các thế lực thù địch, phản động.

Luật An ninh mạng Việt Nam nêu rõ: “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. “Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng”.

Internet là điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, cũng là cơ hội để đất nước nhanh tiệm cận với nền công nghệ 4.0, thúc đẩy CNH-HĐH. Tuy nhiên trên môi trường ấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ “gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

 Những nguy cơ ấy chính là một số tồn tại, hạn chế, khiếm khuyết về an ninh mạng như: Tiềm lực quốc gia về an ninh mạng chưa đủ mạnh, chưa huy động, khai thác sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng. Không gian mạng cũng như một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu, ý đồ đen tối công kích, xuyên tạc Đảng, chế độ chính trị của Việt Nam. Tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, nói xấu, vu khống tổ chức, cá nhân, văn hóa xấu độc khá phổ biến trên mạng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Internet và mạng xã hội trở thành phương tiện để các tổ chức phản động trong và ngoài nước sử dụng xuyên tạc, nói xấu chế độ, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, gây rối, kêu gọi lật đổ chính quyền. Đây là một phương thức để các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Mặt khác, các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mà còn có thể chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động tội phạm.

Chúng sử dụng hacker (tin tặc) ăn cắp các dữ liệu mật của quốc gia, tổ chức, cá nhân gây ra những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. Năm 2017, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã ghi nhận, xử lý gần 15.000 cuộc tấn công mạng. Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. Tháng 3-2017 xảy ra vụ việc tin tặc tấn công hàng loạt website sân bay trong nước, khiến cho nhiều chuyến bay bị gián đoạn, đảo lộn.

Gần đây, lợi dụng việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng, Dự thảo Luật Đặc khu, các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội đã kêu gọi, kích động người dân tụ tập đông người để phản đối. Luật An ninh mạng, Dự thảo Luật Đặc khu chỉ là cái cớ; cũng như trước đó, vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 hay sự cố môi trường biển Fomosa, cũng là những cái cớ để các thế lực thù địch tập hợp phần tử cơ hội chính trị, cấu kết với lực lượng phản động Việt Tân và một số chức sắc tôn giáo cực đoan, lấy mạng xã hội làm phương tiện tập hợp lực lượng, kích động người dân gây hoài nghi, hoang mang dư luận. Thậm chí, họ dàn dựng một số cảnh như một cuộc biểu tình thật chỉ để quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng.

Các hiệp định WTO và CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Cho đến nay đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO có quy định bắt buộc các doanh nghiệp mạng phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ nước mình. Theo đó Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, internet và các dịch vụ phải lưu trữ dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Được biết,  Facebook và Google đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Luật  An ninh mạng có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải chuyển lưu trữ dữ liệu về Việt Nam. Đây là điều phù hợp với các điều khoản của các tổ chức này cũng như thông lệ quốc tế mà Google và Facebook phải cân nhắc. Ngày 5-7, khi mạng xã hội Facebook ghi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào vùng biển của Trung Quốc đã bị người dùng mạng Việt Nam phản ứng mạnh mẽ và cơ quan chức năng lên tiếng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã phải sửa sai và xin lỗi người dân Việt Nam.

Một số vụ việc kể trên có thể thấy, ngày càng xuất hiện những cuộc tấn công mạng quy mô lớn đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vấn đề an ninh mạng Việt Nam đang đòi hỏi đặt ra cần phải có văn bản hành lang pháp lý, đủ để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

ĐỨC ĐÀO – VŨ NGUYỄN

Bài 3: Môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.