Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 11:33:04

Luận điệu chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công

Ngày đăng: 27/07/2022

QK2 – 75 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của thương binh, liệt sỹ và người có công với đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước bằng mọi thủ đoạn đã xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mỗi năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Cũng trong thời gian này, trên một số trang mạng xã hội, xuất hiện những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chính sách thương binh, liệt sỹ, hòng bôi xấu Đảng, Nhà nước, chế độ, nhằm làm giảm lòng tin giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước ta.

Cán bộ Đội Quy tập mộ liệt sỹ Bộ CHQS tỉnh Hà Giang với CCB đẩy mạnh công tác quy tập hài cốt liệt sỹ.

Thủ đoạn của các thế lực thù địch là đánh đồng người hy sinh, cống hiến vì cách mạng với người ngã xuống trong chiến tranh mà không tham gia, cống hiến gì, thậm chí là kẻ cam tâm làm tay sai cho thực dân đế quốc, phản bội Tổ quốc. Cùng với đó, chúng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó có chi nhiều cho thương binh, liệt sỹ; cho rằng đất nước được giải phóng là do công sức của toàn dân tộc chứ không riêng gì thương binh, liệt sỹ. Chúng còn phủ định giá trị của độc lập, thống nhất Tổ quốc; tung nhiều chiêu bài xuyên tạc lịch sử gây hoang mang, giao động trong các thế hệ người Việt, phai nhạt tình cảm với người có công.

Đặc biệt, chúng lợi dụng những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở một số địa phương để viết bài, đưa thông tin, hình ảnh… trên mạng xã hội trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ, đánh tráo giá trị, “đổi trắng, thay đen” nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách ưu đãi đối với người có công. Những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch đối với chính sách người có công, những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc này rất nguy hại, tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, nhất là những người dân nhẹ dạ, làm suy giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta trong thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ kính yêu, suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Trong các Văn kiện Đại hội của Đảng đều nêu rõ nhiệm vụ: “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng…” (Đại hội VI). “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân…” (Đại hội VII)… Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội…”.

 Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên… Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công; nâng cao các công trình “đền ơn đáp nghĩa”.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Theo số liệu, hiện cả nước có trên 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Hằng năm, Nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi người có công; Chủ tịch nước dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7)…

Đến nay, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” tổ chức rộng khắp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nhiều chương trình lớn như: “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu neo đơn, con liệt sỹ mồ côi”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”… đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào tự nguyện, tự tâm trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.