Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 01:11:03

Làm theo Bác, quạt cho phong trào mạnh lên

Ngày đăng: 05/08/2019

QK2 – Ngày 27 tháng 3 năm 1948, Trung ương Đảng đã đề ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai Chỉ thị, ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người đã dạy rằng, “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Câu chuyện về chiếc quạt giấy Bác Hồ đã tặng cho cụ Hoàng Đạo Thúy – Tổng thư ký đầu tiên của Ban Thi đua toàn quốc đến nay đã được phổ biến rộng rãi, nhiều người nhớ đến mỗi khi ôn lại truyền thống của phong trào thi đua ái quốc.
Chuyện rằng, năm 1948, khi cụ Hoàng Đạo Thúy đang công tác ở Cục Quân huấn thì nhận được thư của Bác Hồ. Bức thư viết:
“Gởi ông Hoàng Đạo Thúy
 Lão đồng chí,
Nay có một việc rất quan trọng, cần có một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác. Tức là việc Tổng Bí thư cho Ban thi đua Trung ương.
Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy. Chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên quốc phòng và tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp, song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách dàn xếp.
Chào thân ái và quyết thắng!”.
Khi cụ Hoàng Đạo Thúy đến gặp Bác để xin chỉ dẫn, Bác tặng cụ một chiếc quạt bằng giấy, vốn là quà của thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày sinh của Người. Chiếc quạt có kích thước lớn hơn bình thường, dài 0,76m, có 18 nan xương, trong đó 2 xương ngoài được làm bằng sừng và 16 xương còn lại bằng tre, dán giấy màu nâu với những đường châm nét hoa văn và những dòng chữ, câu thơ có hàm ý sâu sắc.
Chiếc quạt Bác tặng cho người có trách nhiệm của phong trào thi đua đầu tiên ấy có giá trị biểu tượng vô cùng ý nghĩa. Khi cầm quạt xòe ra, những chiếc nan đại diện cho các lực lượng trong xã hội, các lực lượng đó đoàn kết và hội tụ với nhau ở tay cầm, đó chính là lòng yêu nước, được kết nối bằng giấy dán nan quạt lại để tạo sức mạnh của đoàn kết, của lòng yêu nước. Khi quạt sẽ tạo ra những làn gió, thổi bùng ngọn lửa tinh thần kháng chiến, kiến quốc của quân và dân ta. 
Chiếc quạt đã theo cụ Hoàng Đạo Thúy, được cụ gìn giữ, nâng niu như một vật chứng thiêng liêng, nhắc cụ cùng những người phụ trách công tác phong trào làm tròn lời Người dặn: Quạt cho phong trào mạnh lên!

Các cơ quan, đơn vị Trung đoàn 82 ký kết giao ước thi đua "30 ngày hành động kiểu mẫu, giành 3 đỉnh cao Quyết thắng".

Thấm nhuần tư tưởng và tình cảm của Bác, trong các giai đoạn kháng chiến, xây dựng đất nước, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta được tổ chức, triển khai sâu rộng, hiệu quả, thiết thực trên cả nước, tạo sức lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những điển hình của phong trào thi đua trong Quân đội có phong trào “Ba nhất”, với các mục tiêu cụ thể: Nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; Nhất về gương mẫu, kỷ luật; Nhất về lao động và sản xuất. Cùng với đó, các phong trào: “Gió Đại Phong”; “Sóng Duyên Hải”; “Ba sẵn sàng”; “Năm xung phong”; “Ba đảm đang”… trở thành làn sóng cách mạng mạnh mẽ, củng cố niềm tin vào chiến thắng, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực chiến đấu, lao động, sản xuất.
Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, ở các cấp, các ngành. Các phong trào thi đua yêu nước hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Thi đua Quyết thắng”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân lập được những chiến công, thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất.
“Cán bộ thế nào, phong trào thế ấy”. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, phong trào thi đua cũng cần những đầu tầu gương mẫu, vừa đề xuất chủ trương biện pháp, vừa chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Những “Đầu tầu gương mẫu” đó chính là người cầm “quạt”  để “quạt cho phong trào mạnh lên” như tư tưởng của Bác. Muốn duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả thi đua; muốn có những đỉnh cao quyết thắng và những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến thì cần phải có chủ trương đúng và biện pháp tổ chức thi đua tốt. Chủ trương đúng, biện pháp hay sẽ quy tụ được lòng người tạo sức mạnh đoàn kết tập thể.
VIỆT KHÔI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.