Thứ ba Ngày 16 Tháng 04 Năm 2024, 07:24:44

Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch: CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ VẬN ĐỘNG BẦU CỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Ngày đăng: 04/04/2016

QK2 – Một trong những sự kiện quan trọng của đất nước năm 2016 là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Càng gần đến ngày diễn ra bầu cử, cùng với tiến trình thực hiện các bước chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, các thế lực thù địch phản động trong và ngoài nước càng ráo riết thực hiện âm mưu chống phá cuộc bầu cử. Luận điệu của các lực lượng này đều là giả danh, núp bóng các nhà hoạt động đấu tranh vì dân chủ ở Việt Nam nhưng thực chất là công kích, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống về bản chất của hoạt động bầu cử của nước ta.

Học viên  đào tạo cán bộ quân sự xã, phường Trường Quân sự Quân khu trong giờ tin học. Ảnh: VIỆT KHÔI

Học viên đào tạo cán bộ quân sự xã, phường Trường Quân sự Quân khu trong giờ tin học. Ảnh: VIỆT KHÔI

Không khó để tìm ra những nội dung, luận điệu chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp của các lực lượng phản cách mạng, nhất là trên mạng xã hội và internet. Một số trang mạng, trang web, báo hải ngoạ hoặc tự cho mình quyền cung cấp thông tin về cuộc bầu cử ở Việt Nam hoặc khai thác sâu một cách thái quá xoay quanh nội dung tự ứng cử của công dân và lợi dụng vấn đề đó để đăng tải những thông tin chứa đựng nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, nhiễu loạn trong nhân dân cũng như cử tri cả nước. Họ mặc nhiên bình, bàn về sự kiện trọng đại này.
Một số trang mạng cho rằng, bầu cử ở nước ta là một cuộc “đấu tranh chính trị”, cần tạo ra “phong trào tự ứng cử” và cho đây là dịp chạy đua về chính trị của “các nhóm xã hội dân sự” và kêu gọi các nhóm này cần liên kết lại với nhau để “chọn ra cột cờ rồi dồn sức cho ngọn cờ đó”. Họ cũng đề xuất những người ra ứng cử cần “có ít nhất một luật sư để bảo vệ chính mình hoặc đấu lý lẽ pháp luật” và cần có “cố vấn truyền thông” để tuyên bố cái gọi là “lý do tranh cử”… Có trang còn hy vọng “đây là bước bản lề, mở đầu cho chiến dịch đấu tranh dân chủ”; kêu gọi mọi người “cùng dốc lòng, toàn sức, toàn tâm kết hợp với chiến thuật hoàn hảo. Biết đâu, ngày 22/5/2016 sẽ là ngày ngoạn mục cho bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam”.
Và cùng với những toan tính trên, các thế lực thù địch vạch ra tiến trình, kịch bản từ trước, thông qua một số nhân vật tự ứng cử, thông qua các trang mạng xã hội hô hào hưởng ứng “phong trào tự ứng cử”; “cương lĩnh tranh cử”, “cam kết với cử tri, với đồng bào”… Những thông tin ấy thường được một vài tờ báo hải ngoại lợi dụng khai thác triệt để, tổ chức phỏng vấn, tọa đàm, thông tin chuyên đề… nhằm “tung hứng”, kênh kiệu, khuếch trương, gán cho một số cá nhân tự ứng cử cái gọi là “nhà hoạt động dân chủ”, thông qua đó lợi dụng đưa những thông tin sai lệch về Đảng Cộng sản Việt Nam, về nền dân chủ của Việt Nam cũng như thành quả của đất nước trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển.
Nếu các tờ báo hải ngoại, các trang mạng mà những người đại diện nó có lòng yêu nước thực sự, hoạt động vì dân chủ, tiến bộ thực sự thì phải tỏ rõ trách nhiệm trong tham gia vận vận động bầu cử bằng cách cung cấp thông tin bổ ích, thiết thực cho cử tri, cho nhân dân, hướng dẫn, trợ giúp kiến thức pháp luật xung quanh việc bầu cử để thay thế việc sử dụng các thủ đoạn đê hèn nói xấu, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vu khống về sự mất dân chủ, bình đẳng trong bầu cử của ta.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp dành 7 điều quy định cụ thể về tuyên truyền, vận động bầu cử. Các điều luật đó quy định kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử được bảo đảm bằng ngân sách Nhà nước. Những nguyên tắc vận động bầu cử là phải được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở cấp tỉnh, huyện và xã, từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.
Luật cũng quy định về việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng, người ứng cử được trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình. Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử là: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Đối chiếu với các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thì một số người tự ứng cử thực hiện (hoặc bị một số lực lượng giả danh, mượn cớ thực hiện) các hành vi “vận động tranh cử trên mạng” hoàn toàn sai trái. Nếu muốn vận động bầu cử đúng pháp luật, ngoài việc tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử thì có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương để thể hiện quan điểm, chương trình hành động và tâm nguyện của mình, tại sao lại phải núp bóng, dựa dẫm vào các phương tiện không đúng quy định để vừa đưa ra các quan điểm sai trái hoặc nói xấu Đảng, Nhà nước ta. Các lực lượng, các thế lực đứng phía sau các ứng cử viên để tung hô cho cái gọi là nhà dân chủ, chẳng hóa ra tiếp tay cho cái sai trái, không được pháp luật Việt Nam và đông đảo nhân dân Việt Nam thừa nhận, ủng hộ. Nói cách khác, các trang mạng xã hội nói sai ấy chính là “tự hạ bệ” cho ứng cử viên mà mình đã tung hô.
Ở Việt Nam, nếu thực sự yêu nước, thực sự có tấm lòng với Tổ quốc, với dân tộc thì không cần phải lợi dụng mạng xã hội để hô hào, vận động tranh cử hoặc đưa ra những lời cam kết trước cử tri, mà phải bằng hành động thực tiễn, bằng sự ảnh hưởng của mình với xã hội, với cộng đồng, có như vậy vận động bầu cử mới thực sự đi đúng bản chất dân chủ của chế độ trong bầu cử.
Dầu sao, cử tri cả nước, khi xem thông tin về bầu cử trên mạng xã hội và internet vẫn cần phải nghiên cứu kỹ nguồn gốc, bản chất của thông tin, tránh bị mắc mưu với ý đồ xấu của các thế lực phản cách mạng.
ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.