Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 02:47:31

Làm sao để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị ở đơn vị cơ sở

Ngày đăng: 12/08/2018

QK2 – Vừa trở về từ Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị toàn quân năm 2018, với thành tích đoạt giải nhất đối tượng cấp trung đoàn, Trung tá Lâm Dũng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 có cuộc trả lời phóng vấn phóng viên Báo Quân khu 2 về một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) tại đơn vị những năm qua. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm TCCT trao giải Nhất cho đồng chí Trung tá Lâm Dũng Tiến (thứ hai bên trái).

Phóng viên: Xin chào Trung tá Lâm Dũng Tiến, Chính ủy Trung đoàn 174, trước tiên xin được chúc mừng anh vừa đạt thành tích cao nhất trong hội thi giảng dạy chính trị cấp toàn quân năm 2018 vừa qua. Theo anh, thực trạng chất lượng công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở hiện nay như thế nào?

Trung tá Lâm Dũng Tiến: Những năm vừa qua, công tác giáo dục chính trị đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Tuy nhiên, từ thực tiễn quá trình công tác, tôi nhận thấy, thực trạng tương đối phổ biến hiện nay trong công tác giảng dạy chính trị ở đơn vị cơ sở là việc soạn bài giảng chính trị của giáo viên còn nặng về lý thuyết, nội dung phân tích, liên hệ chưa sát tình hình nhiệm vụ của đơn vị. Bên cạnh đó, do phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nên việc thục luyện giáo án có đồng chí chưa nhuần nhuyễn. Quá trình giảng bài, kĩ năng của một số đồng chí còn hạn chế, nhất là phương pháp truyền đạt, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho người học (số này rơi chủ yếu vào lực lượng cán bộ mới ra trường). Ngoài ra, phương pháp duy trì, tổ chức thảo luận ở tổ học tập chính trị của trung đội trưởng còn đơn điệu, chưa khơi dậy được tính tích cực, tự giác của bộ đội.

Phóng viên: Đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình trong quá trình chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT ở đơn vị những năm qua, nhất là một số kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị ở đơn vị? Liên hệ thực tế ở Sư đoàn 316?

Trung tá Lâm Dũng Tiến: Theo tôi, đối với mỗi cán bộ chính trị, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần luôn luôn trau dồi kiến thức, tích cực học tập, nắm chắc lý luận cơ bản; tích cực rèn luyện kĩ năng trong thực tiễn, thường xuyên rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện bản thân. Đặc biệt, trước sự biến đổi mau lẹ của tình hình hiện nay, người cán bộ chính trị một mặt phải giữ vững bản lĩnh chính trị, mặt khác cần phải cập nhật kiến thức tổng hợp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học-kĩ thuật… để thích ứng kịp với sự vận động, phát triển của yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, người cán bộ chính trị phải thực sự mẫu mực trong lời nói và việc làm, làm sao để “thu phục” được lòng người, luôn là hạt nhân lãnh đạo trong cấp ủy đảng, là trung tâm đoàn kết trong tập thể đơn vị.

Đối với công tác giáo dục chính trị, cán bộ giảng dạy phải luôn rèn cho mình kĩ năng qua từng công việc cụ thể, chứ không chỉ thông qua việc lên lớp giảng dạy. Ví dụ, khi phát biểu ý kiến trước hội nghị, hay duy trì một buổi sinh hoạt tập trung, đều cần kĩ năng tuyên truyền, giáo dục. Ngoài ra, cũng cần rèn luyện một số kĩ năng bổ trợ như: Báo cáo viên; kể chuyện; văn hóa văn nghệ; kĩ năng giao tiếp, ứng xử; khả năng nhận định tình hình và ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.

Trước thực trạng công tác giảng dạy chính trị ở đơn vị cơ sở như hiện nay, để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy: Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần phải thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị cả về kiến thức và kĩ năng sư phạm. Duy trì thực hiện quy trình chuẩn bị bài giảng theo đúng Quy chế 438/QĐ-CT của Tổng cục Chính trị, nhất là việc tổ chức thông qua giáo án, bài giảng; phải thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháo giáo dục, triển khai có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục theo chương trình cơ bản với giáo dục nhiệm vụ, giáo dục truyền thống, giáo dục thông qua hội thi, hội thao, hoạt động văn hóa văn nghệ; phát huy tối đa hiệu quả các thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở (băng rôn, khẩu hiệu, báo chí, truyền hình, phòng Hồ Chí Minh, nhà truyền thống, thư viện…).

Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Trung tá Lâm Dũng Tiến: Cụ thể, tôi lấy ví dụ, khi quán triệt nhiệm vụ thông giao ban, hội ý, sinh hoạt tập thể, người cán bộ chính trị cần định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, không chờ đến giờ lên lớp mới tiến hành. Đối với giáo dục truyền thống, cũng chính là giáo dục về lịch sử, đạo đức, văn hóa, tác phong, bồi dưỡng nhân cách cho mỗi quân nhân. Qua đó, vừa phát huy được truyền thống vừa khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cán bộ, chiến sĩ về nơi mình công tác. Đối với hoạt động hội thi, hội thao không chỉ giúp nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy mà còn nâng cao nhận thức của chiến sĩ. Ngoài ra, hoạt động văn hóa văn nghệ cũng có tác dụng rất lớn đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở đơn vị. Để phát huy hiệu quả của hoạt động này, người cán bộ chủ trỉ phải lồng ghép được tất cả các nội dung giáo dục theo chủ đề của từng giai đoạn, từng chủ đề lịch sử. Song song với đó, các đơn vị cần chủ động đổi mới các mô hình sáng tạo, hỗ trợ, cùng với các giải pháp cụ thể, sát thực tế nhiệm vụ.

Thực tế, trong những năm qua, hoạt động tiến hành CTĐ, CTCT nói chung, công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói riêng ở Sư đoàn 316 đã thu được nhiều kết quả tích cực với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị, bảo đảm hoạt động có nền nếp, đem lại hiệu quả thiết thực, như: Phong trào thi đua (PTTĐ): “Vượt nắng, thắng mưa say sưa luyện tập”; “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm”. Từ các PTTĐ này đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như: mô hình: “Tự soi, tự sửa”; “3 có, 3 không”; “3 đồng hành, 1 mục tiêu”, “3 cùng, 2 trước 2 sau”; “Mỗi tuần ghi nhớ một câu chuyện kể về Bác Hồ, một lời dạy của Bác” ; “5 phút lắng đọng”; “Câu lạc bộ tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc”. Sáng kiến: “Hồ sơ thông tin chiến sĩ”; “Sổ tay quân nhân” và các giải pháp: “Mỗi đảng viên giúp đỡ 1 nòng cốt, 1 nòng cốt giúp đỡ 3 quần chúng”… Qua đó, sức mạnh tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật của Sư đoàn không ngừng được nâng lên, kết quả kiểm tra huấn luyện hàng năm 100% đạt yêu cầu, 80-83% khá, giỏi, trong diễn tập, tham gia hội thi, hội thao các cấp đều đạt kết quả cao…

Phóng viên: Qua đây, đồng chí có thông điệp gì gửi tới đội ngũ sĩ quan trẻ mới ra trường?

Trung tá Lâm Dũng Tiến: Từ thực tiễn công tác, tôi thấy rằng, đối với đội ngũ sĩ quan trẻ mới ra trường, nên kinh nghiệm công tác còn ít, vì vậy cần tích cực rèn luyện cho mình kĩ năng giao tiếp trong môi trường quân sự, giúp cho bản thân tự tin trong việc tiếp cận với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, từ đó sẽ nắm chắc được thông tin, triển khai có hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT tại đơn vị. Chú trọng tự học tập thông qua không gian mạng để nâng cao trình độ, nhận thức, thường xuyên cập nhật thông tin, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, ngày càng càng phức tạp trong giai đoạn hiện nay…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN HỒNG SÁNG (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.