Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:01:57

Kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Tua Hai (26/01/1960-26/01/2020)

Ngày đăng: 19/01/2020

I. BỐI CẢNH, DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ

1. Bối cảnh lịch sử

Sau năm 1954, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành cuộc chiến tranh một phía với quy mô ngày càng ác liệt. Chúng lê máy chém khắp miền Nam, giết hại đồng bào, cán bộ, đảng viên mà không cần xét xử. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ở miền Nam đã bị trấn áp bằng các chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, khiến cho lực lượng yêu nước và cách mạng ở miền Nam bị tổn thất nặng nề.

Trong bối cảnh trên, tháng 1 năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) họp đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và đường lối của cách mạng miền Nam. Hội nghị khẳng định con đường cách mạng miền Nam là: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ  quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Thực hiện chủ trương trên, tháng 1 năm 1960, Hội nghị cán bộ quân sự miền Đông Nam Bộ họp bàn phương án thực hiện Nghị quyết Trung ương 15. Xứ ủy Nam Bộ quyết định chọn căn cứ Tua Hai là mục tiêu tiến công. Đây là căn cứ mạnh của địch, diệt được căn cứ này sẽ có ý nghĩa là một trận đánh then chốt, giáng cho địch bất ngờ và choáng váng về tinh thần, làm xoay chuyển tình thế phòng thủ của địch, tạo quả đấm quân sự có sức nặng để cổ vũ phong trào Đồng khởi trong toàn miền.

2. Diễn biến và kết quả

Tua Hai (tháp canh cũ của quân đội Pháp) thuộc Trảng Sụp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cách thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) 7 km về phía Bắc, nằm trên đường 22. Năm 1956, chính quyền Ngụy xây dựng thành căn cứ quân sự lớn lấy tên thành Nguyễn Thái Học, là căn cứ Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 ngụy, đồng thời trung tâm huấn luyện quân sự của địch, trang bị đầy đủ vũ khí và kho vũ khí lớn; khuôn viên được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Về phía ta, sau khi có quyết định chọn căn cứ Tua Hai làm mục tiêu tiến công, Xứ ủy Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự miền Đông phối hợp với Tỉnh ủy Tây Ninh hạ quyết tâm đánh và phải thắng. Để thực hiện mục tiêu, Bộ Chỉ huy Quân sự miền Đông đã quyết định thành lập Ban chỉ huy trận đánh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Xuyến – Chỉ huy trưởng, Tư lệnh chiến trường; Mai Chí Thọ

Chính trị viên, Bí thư Đảng uỷ; Lê Thanh – Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng; Võ Cương – Chỉ huy phó.

Phương án tác chiến được Ban Chỉ huy xác định gồm 4 mũi, trận đánh phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, bất ngờ, khai thác tối đa những sơ hở của địch. Kết hợp chặt chẽ đặc công, xung kích với bộ binh ngay loạt đạn mở màn, để làm tê liệt, vô hiệu hoá bộ phận chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn nguy. Các mũi tấn công đánh chia cắt địch không cho các đơn vị nguỵ tiếp cận với kho vũ khí của chúng bằng bất cứ giá nào; kịp thời chiếm lĩnh kho vũ khí và nhanh chóng vận chuyển vũ khí về căn cứ của ta để phân tán, cất giấu, phòng địch truy kích chiếm đoạt lại vũ khí.

Về lực lượng tham gia trận đánh: có 3 đại đội bộ binh (C60, C59, C70), một đại đội đặc công (C80) thuộc Ban Quân sự miền Đông và cùng với lực lượng bộ đội Tây Ninh, dân quân du kích. Trận đánh có sự hỗ trợ quan trọng, mang tính quyết định của chi bộ Đảng mật trong căn cứ Tua Hai của tỉnh uỷ Tây Ninh xây dựng và phát triển từ các cơ sở nội tuyến do Ban Binh vận Miền giới thiệu. Lực lượng dân công hoả tuyến, tải thương, tải đạn của Tỉnh ủy Tây Ninh cũng được huy động tham gia (300 dân công, hơn 42 đảng viên, thanh niên, quần chúng), các lực lượng ở Chiến khu D cơ động đánh chi khu và huyện lỵ Đồng Xoài (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc tỉnh Bình Phước) để thu hút địch, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta ở Tây Ninh tập trung đánh vào trọng tâm Tua Hai để giành thắng lợi.

Nhằm vào đêm 28 Tết (đêm ngày 25 rạng ngày 26 /01/1960), đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26/01/1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu; Mũi 1 đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 32 nguy; Mũi 2 đánh diệt Tiểu đoàn 1 rồi nhanh chóng chiếm kho vũ khí của địch; Mũi 3 đánh vào Tiểu đoàn 3, sau đó phát triển cùng lực lượng mũi 2 đánh Tiểu đoàn 2; Mũi 4 đánh vào khu quân xa và đại đội trọng pháo. Ngoài ra còn trung đội bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh và một trung đội công binh của Miền (bố trí ở phía Bắc đường 22).

Trước sức mạnh tấn công của ta bằng bộc phá, lựu đạn, thủ pháo và bộ binh; địch bị đánh bất ngờ, hoảng loạn không kịp đối phó, nhanh chóng tan rã. Sau 3 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa; trận đánh diễn ra đúng như dự kiến. Kết quả, ta tiêu diệt được Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2, làm tiêu hao Tiểu đoàn 3, bắt sống và giáo dục thả tại chỗ hơn 500 tù binh và thu hơn 1.000 súng các loại, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Tua Hai là loại hình đồng khởi tiêu biểu của các tỉnh miền Đông Nam Bộ; trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tấn công vào lực lượng chủ lực của địch, diệt được nhiều địch, thu nhiều vũ khí; huy động lực lượng vũ trang đông nhất; có sự phối hợp của lực lượng vũ trang, quần chúng địa phương và các vùng xung quanh.

Sau chiến thắng Tua Hai đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong toàn tỉnh Tây Ninh. Quân và dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận; quét sạch bộ máy kìm kẹp của địch ở nông thôn. Tháng 7 năm 1960, đã gỡ 30 đồn trong tổng số 60 đồn bốt của địch; giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tế xã, ấp và trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ. Đặc biệt, các lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (thành lập Tiểu đoàn 14, Đại đội 40, 41 của huyện Châu Thành, Bến Cầu, Đại đội 3 của huyện Dương Minh Châu…, riêng Tòa Thánh tổ chức đội vũ trang tuyên truyền, có 44 xã/49 xã thành lập đội du kích.

Chiến thắng Tua Hai không chỉ trực tiếp tháo ngòi nổ cho phong trào đồng khởi của quân và dân Tây Ninh mà còn cổ vũ mạnh mẽ quân dân các tỉnh miền Đông vùng lên dùng bạo lực vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền làm chủ về tay nhân dân như: Thủ Dầu Một (cũ) nổi dậy khởi nghĩa ngày 25/2/1960, đã làm chủ hơn 40 ấp của 25 xã và 10 làng công nhân cao su; diệt hơn 100 tên địch, thu khoảng 300 vũ khí, bức hút hàng chục đồn bốt. Ngày 30 tháng 3 năm 1960, Đại đội 40 của tỉnh Bà Rịa phối hợp với công nhân cao su tiến cộng đồn điền cao su Ba Bình và nhiều quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh nổi dậy diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ. Đến tháng 3 năm 1960, tại Biên Hòa, Sài Gòn – Gia Định chịu tác động từ Chiến thắng Tua Hai nhiều vùng nông thôn nhất tề đứng dậy phá bỏ bộ máy kìm kẹp của địch; đặc biệt nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn mở chiến dịch tiến công dư luận vào chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm.

Đến giữa năm 1960, Chiến thắng Tua Hai đã lan tỏa, tác động phát triển thành phong trào rộng khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang đứng lên Đồng khởi; trong ba ngày (từ ngày 23/9 – 25/9/1960) Đồng khởi diễn ra ở tỉnh Tiền Giang và đợt hai của tỉnh Bến Tre.

Chiến thắng Tua Hai dã đạt yêu cầu về chính trị và quân sự do Xứ ủy Nam Bộ đề ra. Trận đánh Tua Hai gây chấn động lớn trong toàn miền, làm cho quân địch, lực lượng bảo an, dân vệ ở xã, ấp hoang mang, lo sợ; cổ vũ mạnh mẽ quần chúng đứng lên Đồng khởi.

BÁO QUÂN KHU (Theo Ban Tuyên giáo Trung ương)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.