Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 06:05:08

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 – 27/01/2023): Tổng hòa thắng lợi quân sự, chính trị và ngoại giao

Ngày đăng: 25/01/2023

QK2 – Tròn 50 năm trước, ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, gay go, phức tạp của Đảng, quân và dân ta trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao kéo dài gần 5 năm, từ ngày 13/5/1968 đến  khi được ký kết.

Quang cảnh buổi lễ ký Hiệp định Paris về Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Đại lộ Kleber, ngày 27-1-1973 (Ảnh tư liệu).


Trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn cùng với hàng nghìn cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh trên toàn thế giới, trải qua hai đời Tổng thống Mỹ là Lyndon B. Johnson và Richard Nixon, bao gồm hai cuộc hội nghị: Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ; Hội nghị 4 bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Trong suốt quá trình đó, phía Mỹ liên tục thay thế các trưởng đoàn đàm phán. Với hai đoàn Việt Nam, hai trưởng đoàn được giữ nguyên, gồm trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Xuân Thủy. Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam là Nguyễn Thị Bình.
Trong suốt quá trình diễn ra các cuộc hội nghị, cuộc họp riêng, các hoạt động của cách mạng Việt Nam trên các mặt trận đã liên tục tạo ra các bước ngoặt lớn, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Sau cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phải tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc, gợi ý một giải pháp ngoại giao, nhằm “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự” rút khỏi “vũng lầy” chiến tranh ở Việt Nam. 
Ngày 13/5/1968, hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Mỹ chính thức họp phiên đầu tiên được diễn ra. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Johnson luôn lảng tránh, không đi vào giải quyết các vấn đề cơ bản mà đưa ra những đòi hỏi phi lý nhằm kéo dài cuộc đàm phán. Từ ngày 01/11/1968, Mỹ phải quyết định chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn là Nguyễn Văn Thiệu. 
Ngày 25/01/1969 diễn ra đàm phán giữa bốn bên; tuy nhiên phía Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn bác bỏ tư cách độc lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập, cử đoàn thay thế cho Mặt trận tham dự Hội nghị với tư cách là đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam. Để cứu vãn tình hình bi đát, Nixon điên cuồng triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Về ngoại giao, phía Mỹ tích cực thúc đẩy quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc hòng cô lập Việt Nam, cắt nguồn chi viện quốc tế, thực hiện rút quân nhỏ giọt, đưa ra những giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam nhưng tiếp tục ngoan cố với lập luận “hai quốc gia Việt Nam”. 
Từ năm 1970 đến đầu năm 1972, sau rất nhiều lần đàm phán chưa mang lại kết quả, ngày 24/3/1972, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn. Để phá thế bế tắc,  quân ta thực hiện cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân – Hè, đánh địch trên 5 mặt trận lớn từ Trị Thiên đến Đồng bằng sông Cửu Long. Thắng lợi của đợt tấn công chiến lược buộc Mỹ phải quay lại Hội nghị toàn thể bốn bên vào ngày 13/7/1972. Qua ba tháng thương lượng gay gắt, đàm phán đạt một số thỏa thuận: Mỹ nhận rút hết quân trong ba tháng, thực hiện ngừng bắn tại chỗ ở miền Nam, cam kết chấm dứt dính líu về quân sự, nhận lập ủy ban hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử. Sau nhiều phiên tiếp tục đàm phán, cuối tháng 10/1972. Việt Nam đã đạt được các mục tiêu đề ra nhưng phía Mỹ tìm mọi lý do trì hoãn việc ký Hiệp định, hội nghị lại rơi vào bế tắc.
Nhằm tạo sức ép trên bàn đàm phán, Nixon đưa máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc Việt Nam nhưng bị thất bại nặng nề. Ngày 30/01/-1972, Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris. Từ ngày 8-1-1973, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris. Đến ngày 13-1-1973, các bên hoàn thành văn bản của Hiệp định. Ngày 27-1-1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và bốn Nghị định thư liên quan được ký chính thức. Ngày 28/01/1973, thực hiện ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành.
Nhìn lại chặng đường đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao để đi đến ký kết Hiệp định Paris, có thể nói đây là thắng lợi của sự phối hợp nhịp nhàng giữa giải quyết thắng lợi trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán, là điển hình của việc kết hợp chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, với chiến thắng oanh liệt “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa Việt Nam đã trực tiếp tạo thế vững mạnh, tạo đòn quyết định đập tan học thuyết Nixon cùng mưu đồ kéo dài cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hiệp định Paris được ký kết mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. cơ sở chính trị và pháp lý đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta. Thắng lợi tạo điều kiện, thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

VIỆT LONG (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.